Đây là một "mỹ tục" đã được đồng bào lưu giữ và truyền từ đời này qua đời khác.
Theo phong tục của người Nùng, việc tổ chức mừng thọ rất quan trọng, người được mừng thọ sẽ được thầy xem ngày để gia đình tổ chức, nếu người được mừng thọ có sinh nhật vào dịp đầu xuân thì lễ mừng thọ sẽ được tổ chức theo đúng ngày sinh, còn nếu không, thầy sẽ xem một ngày đẹp trong tháng Giêng để gia chủ tiến hành nghi thức này.
Dịp đầu xuân, chúng tôi có mặt tại nhà ông Hoàng Văn Bàn, thôn Khuổi Sluôn, xã Dương Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn vào đúng ngày gia đình tổ chức lễ Tài khoăn cho cụ Hoàng Văn Hình. Trong ngày này, con cháu cụ Hình cũng đã tề tựu khá đông đủ, chỉ còn hai người con hiện sống trong Lâm Đồng là chưa về kịp.
Đây là năm thứ 3 gia đình tổ chức lễ mừng thọ cho cụ, lần này đặc biệt quan trọng bởi cụ Hình đã ở tuổi 80. Trong nhà cụ Hình, ba mâm lễ đã được gia chủ bày sẵn. Thầy lễ bắt đầu hành lễ những bước có sẵn, mỗi khúc ngâm, câu hát của thầy chứa đựng những quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan của người Nùng.
Ông Hoàng Văn Bàn, xã Dương Sơn, huyện Na Rỳ cho biết: Thôn Khuổi Sluôn có 100% là đồng bào dân tộc Nùng, lễ Tài khoăn đã có từ lâu trong đời sống của người Nùng nơi đây. Họ tổ chức mừng thọ, cầu an cho người già và các thành viên trong gia đình với mong ước ông bà được an hưởng tuổi già để vui sống cùng cháu con và mọi người khỏe mạnh, gặp may mắn.
Người Nùng cho rằng để làm được lễ Tài khoăn cho người già, pò Slay (tức ông thầy) phải tiến hành đủ ba bước gồm: Bước 1 từ nhà ra cửa, ở bước này có 3 phân đoạn cụ thể là làm đường qua Thổ công, Thành hoàng làng đến bàn thờ tổ tiên (báo cáo tổ tiên, mời tổ tiên đi tìm hồn vía của mọi người trong nhà, nếu thấy thì tổ tiên nhận mặt, làm vía thông qua những câu khấn chú). Bước 2 được thực hiện sau khi thầy đã khấn tẩy những điềm xui và đón những may mắn, mát mẻ về. Bước 3 là tiến hành lau nhà, lau bếp, lau giường…
Phần này được thực hiện với mong muốn có an lành tốt đẹp về với sàn với bếp, về với giường ngủ để người già ngon giấc, người trẻ thì khỏe mạnh, sung túc, phấn chấn tinh thần. Cụ Hoàng Văn Hình chia sẻ: Mỗi năm vào ngày lễ Tài khoăn, con cháu lại về sum họp đông đủ. Qua lễ Tài khoăn con cháu sẽ kính trọng ông bà hơn và đoàn kết hơn.
Điều đặc biệt của Lễ Tài khoăn chính ở chỗ không quá cầu kỳ trong mâm lễ, không gây tốn kém về vật chất bởi mâm lễ khá đơn giản, chỉ là những chiếc bánh mjoọc (giống như bánh dày không nhân), con gà, quả trứng, một con ngỗng, nhà nào có điều kiện có thể là con dê.
Các mâm lễ không rót rượu, chỉ rót trà. Cơm nước mời khách, con cháu đóng góp mỗi người một ít, riêng con gái, con rể sẽ mang thịt lợn quay đến, tùy theo khả năng kinh tế của mỗi gia đình.
Ông Nông Văn Hội, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cho biết, lễ mừng thọ của người Nùng ở Na Rì ngoài mục đích tổ chức sinh nhật cho người già trong gia đình còn là một phương thức giáo dục hết sức độc đáo được cộng đồng người Nùng. Thông qua lễ mừng thọ, con cháu vừa tỏ lòng hiếu nghĩa vừa là dịp để con cháu hiểu hơn về công lao của các bậc sinh thành.