Lễ ăn trầu của người Khmer Nam Bộ

Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long sống theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Trong đám cưới của người Khmer, “ăn trầu” là nghi thức bắt buộc.

1. Si S’la đok - ăn trầu lần thứ nhất

Lễ Si sla dâk (như lễ dạm ngõ của người Kinh), nhà trai thăm dò ý tứ của bố mẹ, gia đình cô gái, nếu nhận được thiện ý thì hỏi tuổi tác, mang cơi trầu tới nhà gái thưa chuyện. Trong nghi thức này, nhà trai thông báo cho nhà gái biết ngày giờ bà mai đến, đồng thời chuẩn bị lễ vật trầu cau, thuốc hút, rượu, bánh trái… và một cặp đèn cầy là vật không thể thiếu ở trong đám lễ. Nội dung chính của nghi thức này là đi sâu vào vấn đề hỏi cưới. Người Khmer gọi là Sua đòn đâng.

Nghi lễ đám cưới của người Khmer.


2. Si S’la kanh-sêng (ăn trầu lần thứ hai)

Đây là nghi thức ăn trầu cau lần hai của nghi lễ hỏi, trong nghi thức này, họ nhà trai sang nhà gái khoảng 4 - 6 người. Đặc biệt phải có ông Môha (là người tu hành lâu năm) cùng đi, lễ bắt buộc phải có: thonrôn (giống như chiếc khay hộp) đựng trầu cau têm sẵn và một tờ giấy trắng ghi rõ ngày tháng tổ chức lễ cưới; một cặp rượu, hai hộp trà, hai hộp bánh và một ít trái cây. Khi vào lễ, ông Môha bưng thonrôn và mời cha mẹ hai bên ăn trầu, mời trưởng tộc nhà gái mở tờ giấy ra đọc to lên cho mọi người nghe. Đọc xong ông Môha trịnh trọng tuyên bố từ đây hai gia đình đặt quan hệ thông gia, sau đó nhà gái tỏ rõ thân tình mời mọi người cùng ăn cơm thân mật.

3. Pithi Beân chet - lễ xin cưới

Lễ ăn trầu đính ước còn gọi là lễ “Lơnmôha”. Lần này chú rể phải đến trình diện nhà gái, bên nhà gái cũng đưa cô dâu ra chào hỏi bà con đàng trai. Trong lễ ăn trầu đính ước, nhà trai mời bà con thân tộc, bạn bè sang nhà gái và mang theo nhiều lễ vật: 4 nải chuối, 4 chai rượu, 4 gói trà, 4 gói trầu, 2 đùi heo, 2 con gà, 2 con vịt,… một số tiền nhưng đặc biệt phải có lễ vật riêng như quần áo, nhẫn hoặc bông tai tặng cho cô dâu tương lai. Bên nhà gái làm mâm cơm canh cúng tổ tiên và đãi khách. Trong lễ ăn trầu đính ước, mỗi bên cử năm người tham gia lễ.

Mở mâm trầu.



Bên nhà trai gồm: ông Môha, bà mai mối, cha hoặc mẹ, hai người lớn tuổi trong thân tộc. Thành phần bên nhà gái có: cha hoặc mẹ, một người lớn tuổi hiểu biết lễ nghi cưới, thường tham gia trong lễ mai mối, ba người trong thân tộc. Chiếu được trải dài trên bộ ngựa đặt giữa nhà trên đó có thonrôn. Đại diện nhà gái ngồi thành hàng theo hướng đông tây còn nhà trai ngồi đối diện. Nhà gái phải dọn hai mâm cơm để trước mặt mọi người. Khi vào lễ, ông Môha thắp nhang, đèn hương, mời mọi người cùng ăn trầu đính ước cùng lời khấn: Chúng tôi xin cúng thỉnh tổ tiên đến chứng giám lễ ăn trầu đính ước, gia chủ kính dâng lễ vật này để tạ ơn quý ngài và cung kính quý ngài chúc mừng cho đôi bạn trẻ thành hôn.

Lễ cúng xong, nhà trai tặng đồ kỷ niệm cho cô dâu, chú rể tặng cho mẹ vợ một số tiền mặt gọi là “tiền sữa mẹ - brăc se nóp tưc đoc”, trước sự chứng kiến của hai họ. Số tiền này phải giao tận tay mẹ cô gái để ghi nhớ ơn nuôi dưỡng của mẹ. Sau đó, ông Môha xin nhà gái cho biết việc xây cất nhà cửa trước khi tổ chức lễ cưới để sau này ra riêng chung sống. Căn nhà này thường được họ nhà trai giao cho nhà gái trước khi lễ cưới diễn ra.

Cuối cùng nhà trai nhắc lại ngày tổ chức đám cưới, bàn bạc về số lượng khách, số lượng mâm, món ăn trong lễ cưới và các chi phí khác trong lễ cưới gọi là Chul thngay ka.

Sau lễ ăn trầu đính ước này, chú rể tương lai phải ở lại phục vụ nhà gái, chuẩn bị mọi công việc cho đến ngày tổ chức lễ cưới. Việc làm này có mục đích: thăm dò tính nết chú rể tương lai siêng năng hay không, biết công việc thành thạo (tuỳ theo nghề…) bà mai đã giới thiệu. Trong thời gian này, cô dâu và chú rể tương lai không được ngủ chung. Nếu như chú rể làm biếng hoặc có thái độ hỗn hào với gia đình vợ thì có thể đám cưới không thành, nhưng thông thường từ xưa đến nay, chuyện này ít khi xảy ra. Có người vì chút lỗi nhỏ phải lạy cha mẹ vợ mới được bỏ qua.

Tóm lại, qua những nghi thức vừa nêu, chúng ta có thể nhận thấy rằng:

Dấu ấn mẫu hệ còn in rõ nét trong văn hóa của người Khmer nói chung và các nghi thức bắt đầu tổ chức đám cưới nói riêng.

Những nghi thức khá cầu kỳ và công phu đã góp phần xây dựng tương lai bền chặt của đôi trẻ trong đời sống vợ chồng sau này. Bởi họ đã trải qua nhiều thử thách cũng những quy định mà cộng đồng đặt ra.
Thạch Ba Xuyên
Trưng bày chuyên đề "Tục ăn trầu các dân tộc Việt Nam"
Trưng bày chuyên đề "Tục ăn trầu các dân tộc Việt Nam"

Ngày 21/10 tại Ninh Thuận, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ phối hợp Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận khai mạc trưng bày chuyên đề "Tục ăn trầu các dân tộc Việt Nam".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN