Bị vùi lấp trong trận lở bùn kinh hoàng xảy ra sáng 2/8/2010, "làng lũ" Mường Vi, huyện Bát Xát (Lào Cai), đặc biệt là 40 hộ dân của hai thôn Cửa Cải và Đông Căm đã hồi sinh và nay đang rộn ràng chào đón xuân mới Tân Mão trong những ngôi nhà mới ở làng tái định cư tránh lũ.
Theo con đường độc đạo tỉnh lộ 158 từ Lào Cai đến Bản Xèo, chúng tôi trở lại thăm vùng rốn lũ Mường Vi vào một ngày giá lạnh dịp tháng 1/2011. Vùng đất vốn nổi tiếng bởi có hang du lịch dài trên 5 km xuyên lòng núi vô cùng hấp dẫn và cánh đồng Mường Vi với gạo Shéng cù ngon nức tiếng, đang xanh rờn rau màu vụ đông.
Xa xa, chạy dài nơi chân núi là những ngôi nhà mới tái định cư sau lũ. Lạ kỳ thay, mới gần nửa năm về trước, vùng rốn lũ này đã bị cơn “đại hồng thủy” vò nát, vùi lấp xác xơ, vậy mà bây giờ hai thôn Cửa Cải và Đông Căm, xã Mường Vi đã vươn mình đứng dậy bằng một sức sống mãnh liệt bằng tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc ở đây.
Xã Mường Vi có trên 500 nóc nhà, 3 dân tộc Giáy, Dao, Kinh sống xen kẽ dọc 2 sườn núi theo tuyến tỉnh lộ 158 từ ngã ba Bản Vược đi lên vùng biên giới Mường Hum, Ý Tý.
Nhưng chưa đầy 30 phút sau trận lũ ống ngày 2/8/2010, hơn 40 ngôi nhà của cả hai thôn Cửa Cải và Đông Căm đã bị đất đá tràn qua làm hư hỏng ở các mức độ khác nhau, trong đó có 6 nhà rơi vào tâm lũ mất trắng. Cảnh tượng hai thôn Cửa Cải và Đông Căm của xã Mường Vi trở nên hoang tàn. Một vùng đất nông nghiệp được coi là vựa lúa của xã Mường Vi bỗng chốc trở thành “cánh đồng đá”.
Những tảng đá lớn nhỏ nằm ngổn ngang cả trên những bãi đất mà trước đó ít lâu vẫn là những ngôi nhà và vườn hoa màu của người dân địa phương. Lũ dữ đã “cướp” hơn 40 ha lúa và hoa màu, tuyến giao thông tỉnh lộ 158 bị đứt hơn 800 m, gần 15.000 m3 đất đá vùi lấp mặt đường...
Ngay sau lũ, người dân đã nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện; những vòng tay nhân ái đã “tiếp sức” cho người dân khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Tuyến tỉnh lộ 258 được khai thông sau 24 tiếng. Nhiều công trình công cộng đang được chính quyền và người dân địa phương nỗ lực khắc phục.
Huyện đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình có người bị chết, 1 triệu đồng cho các hộ bị trôi. Vốn có truyền thống chịu thương chịu khó, ngay sau khi lũ rút, người dân Mường Vi đã bám đồng bám ruộng, bắt tay vào khôi phục sản xuất, nhà cửa. Theo ông Trần Đức Pho, Chủ tịch UBND xã, đến đầu tháng 1/2011, toàn bộ hơn 80 hộ nằm trong vùng phải di dời tránh thiên tai của xã theo kế hoạch năm 2010 đã có đất ở, trong đó 40 hộ đã được di chuyển đến nơi ở mới tại 3 khu phía đông và đông nam của xã, cách điểm xảy ra thiên tai và có khả năng xảy ra thiên tai tới hàng ngàn mét.
Thăm hộ chị Vi Thị Rón, dân tộc Giáy mới chuyển từ vùng lũ Đông Căm về khu vực Làng Mới phía trước UBND xã, thấy anh chị đã làm được ngôi nhà cột kê mới bằng gỗ tốt. Khi chúng tôi tới thăm, vợ chồng chị Rón anh Pèng đang cùng với mấy người hàng xóm đầm láng nền nhà. Anh Pèng vừa làm vừa tiếp chuyện chúng tôi. Anh nói: "Về nơi ở mới, chúng tôi không sợ thiên tai nữa, chỉ làm xong nhà là lo làm ăn thôi. Tết năm nay tôi không lo thiếu đói lương thực, lợn thì ăn đụng một con 60 kg với nhà hàng xóm. Hai tuần nữa bán hết chỗ rau là đủ tiền sắm Tết".
Chủ tịch Trần Đức Pho vui vẻ cho biết: "Chính quyền không để nhà nào không có Tết. Ngoài chu cấp tiền theo định mức tái định cư, xã còn huy động dân quân, bà con giúp nhau san tạo nền nhà, giúp vật liệu cột kèo, tấm lợp để bà con sớm có nhà ở. Công tác tiếp theo là vệ sinh đồng ruộng". Lũ đi qua để lại lớp bùn đất khá dày. Nơi nào có thể khắc phục được thì bà con giúp nhau thu dọn đá, cành cây, trồng lại rau màu và ngô.
Ông Trần Đức Pho chia sẻ: Không trồng được lúa nước, bà con đã lợi dụng nguồn phù sa màu mỡ này để gieo trỉa trên đất bãi những cây chịu hạn như ngô, ớt, hoa màu khác nên chỉ phải đầu tư rất ít phân bón, đã giảm được đáng kể gánh nặng chi phí phải bỏ ra để khôi phục sản xuất vụ đông. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định ngay từ trồng rau màu vụ đông như gia đình ông Trần Đức Toàn, Vi Thị Rón, Vàng Văn Pinh...
Cùng với đó, địa phương đã triển khai kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xóm. Vụ xuân này, toàn xã sẽ gieo trồng gần 40 ha, trong đó diện tích lúa chiếm 20 ha, còn lại là cây màu như ngô, lạc và rau đậu các loại… Xã cũng động viên người dân sau Tết âm lịch sẽ mở rộng diện tích trồng cây ớt trên đất bãi lên 40 ha để tăng thu nhập.
Sau cơn cuồng nộ của trời đất, vùng rốn lũ Đông Căm và Cửa Cải của xã Mường Vi đang vươn mình đứng dậy.
Lục Văn Toán