Phja Thắp là một xóm nhỏ có 51 hộ dân tộc Nùng, ở xã vùng 3 Quốc Dân, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), ngoài làm nông nghiệp, người dân nơi đây luôn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống làm hương có từ lâu đời. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt, một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.
Đôi tay đang thoăn thoắt chẻ cây mai, ông Hoàng Văn Phừng, 60 tuổi, cho biết: “Cũng như nhiều gia đình khác, nhà tôi đã nhiều đời làm hương. Từ khi gần 20 tuổi, tôi đã biết làm hương. Làm hương không quá khó, nhưng có nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên là cắt cây mai thành từng khúc dài khoảng 40 cm, rồi chẻ nhỏ thành từng thanh nhỏ như đầu đũa, vót sạch. Lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo đem xát nhỏ, trộn với mùn cưa. Nhúng que mai vào nước trộn với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính, sau đó tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo, mùn cưa để được que hương. Sau đó đem hương đi phơi ngoài ruộng. Nếu nắng đẹp thì phơi 1 ngày là khô, còn nếu không phải phơi 2 - 3 ngày, có lúc phải phơi trong bếp để kịp có hương đi bán. Hương khô sẽ nhuộm chân hương màu đỏ rồi đem phơi khô tiếp, sau cùng là buộc thành từng bó, mỗi bó 20 que”.
Người dân xóm Phja Thắp làm hương. |
Theo ông Phừng, khâu quan trọng nhất của nghề làm hương là trộn nguyên liệu đều để cho hương không vị vỡ vụn khi vận chuyển, khi đốt có mùi thơm, tàn đẹp.
Đi một vòng quanh xóm, nhà nào cũng đang tất bật làm hương. Từ già đến trẻ, có những em bé chỉ 8 - 10 tuổi cũng giúp gia đình làm hương. Ông Hoàng Văn Lập, Trưởng xóm Phja Thắp cho biết: Năm 2011, xóm Phja Thắp được Sở Công Thương hỗ trợ máy chẻ nan, tập huấn cho 15 hộ trong xóm. Sau một thời gian ngắn sử dụng, người dân thấy máy chẻ nan mỏng quá, không hiệu quả, nên lại quay về chẻ thủ công bằng tay. Hiện nay, 100% hộ dân trong xóm đều làm hương. Ngày bình thường mỗi hộ chỉ làm 300 - 500 bó hương, còn những ngày giáp Tết, nếu trời nắng thì từ 4 giờ sáng các hộ gia đình đã dậy làm hương, mỗi hộ làm từ 2.000 - 2.500 bó hương. Từ nghề làm hương, đời sống của người dân trong xóm được nâng lên. Năm 2007, xóm còn 33 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 10 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Nhiều gia đình có thu nhập trung bình 30 - 50 triệu đồng từ nghề làm hương như các hộ: Hoàng Văn Thái, Hoàng Văn Tăng, Hoàng Văn Hùng, Hoàng Văn Bảo...
Với chất lượng tốt, hương Phja Thắp được đem đi bán tại tất cả các chợ phiên trong tỉnh. Cùng với những mặt hàng thực phẩm, bó hương Phja thắp luôn là thứ không thể thiếu trong chiếc làn đi chợ của nhiều người dân ở Cao Bằng.