Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2013): Chiến thắng của sự đoàn kết quân dân - Bài 2: Chốt “tử thủ” trước cửa ngõ Sài Gòn

Sau khi quân ta đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc (Đồng Nai), để tiến vào giải phóng Sài Gòn, Bộ chỉ huy Chiến dịch của ta xác định phải đánh chiếm và bảo vệ an toàn tuyệt đối những cây cầu án ngữ tại các cửa ngõ vào Sài Gòn. Trong đó, cầu Rạch Chiếc được coi là chốt “tử thủ” của địch nằm ở cửa ngõ phía Đông để chặn đường tiến quân của ta vào nội đô Sài Gòn. Để đánh chiếm được cây cầu này, một trận chiến ác liệt và giằng co giữa ta và địch đã diễn ra.

Nhiệm vụ trọng đại


Cầu Rạch Chiếc án ngữ trên xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn (nay là xa lộ Hà Nội) có vị thế rất quan trọng đối với Sài Gòn nên địch đã tập trung một lực lượng rất hùng hậu trú đóng tại đây. Tuy nhiên, chỉ với gần 200 chiến sỹ chiến đấu quả cảm, ta đã đánh bại hơn 2.000 quân ngụy để có thể chiếm và bảo vệ an toàn cho cây cầu, giúp đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Chú Thọ, người bắn phát B40 đầu tiên trong trận đánh cầu Rạch Chiếc.


Đại tá Nguyễn Văn Tàu (còn gọi là Tư Cang) nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công, kể lại: Theo kế hoạch, các đơn vị của Lữ đoàn có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tư lệnh hải quân ngụy. Tuy nhiên, đến giờ chót ngày 25/4/1975, chúng tôi phải hủy bỏ nhiệm vụ cũ và chuyển sang thực hiện nhiệm vụ mới. Đó là tập trung toàn bộ lực lượng của Z23 với Z22, D81 (đều thuộc Lữ đoàn 316) đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc để đón đại quân vào. Theo đó, D81 với hơn 100 chiến sỹ, được phân công nhiệm vụ đánh chiếm giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), Z22 và Z23 (khoảng 70-80 chiến sỹ) thì đánh đầu cầu phía Bắc (hướng Thủ Đức vào). Trong khi đó, do vị trí quan trọng của cầu này cho nên từ đầu năm 1975 địch tăng cường phòng thủ. Lực lượng giữ cầu của địch thường trực có 1 tiểu đoàn bảo an, có 400 tên được trang bị súng chống tăng, cối 60 ly và hai đầu cầu có các lô cốt bảo vệ...


Trực tiếp tham gia trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc và được giao nhiệm vụ bắn phát B40 đầu tiên diệt chòi canh của địch để mở màn cho trận đánh, trung úy Nguyễn Đức Thọ (chiến sỹ thuộc Z23) cho biết: “Đây là chòi canh ở ngay đầu cầu, trên đó có một đèn pha để ban đêm rọi khắp vùng, một điện thoại bàn và một khẩu đại liên. Dưới chân chòi canh là một lô cốt kiên cố nửa chìm nửa nổi để địch vừa chiến đấu vừa sinh hoạt. Sau khi trinh sát địa bàn, ngày 26/4/1975 chúng tôi thông qua phương án tác chiến. Trước khi chuẩn bị các thiết bị chiến đấu, từng tổ, từng người còn tranh thủ cạo râu, cắt tóc chuẩn bị cho trận đánh mới. Có người cười nói vui vẻ: Dù hy sinh cũng phải để lại hình ảnh thật đẹp trước cửa ngõ Sài Gòn”.

Hai lần chiếm cầu


Tới đêm 27/4/1975, các đơn vị bắt đầu vào vị trí để đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Trung úy Thọ lập tức bắn phát B40 đầu tiên, nhưng lại không trúng mục tiêu, quả đạn bay lên trời. Đồng chí Trần Đình Lạc quê ở Nghệ An hô to: “Thọ tiếp tục bắn...”. Lập tức Thọ đứng thẳng dậy, nhanh chóng bắn quả đạn thứ hai thì trúng mục tiêu: Tháp canh bị ngả nghiêng, khẩu đại liên bị hỏng nặng...

Chiếc cầu Rạch Chiếc ngày xưa và bây giờ luôn hoàn thành sứ mệnh của mình.


Ông Nguyễn Đức Thọ kể lại: Khi tôi bắn xong, cùng lúc anh em dùng thủ pháo lựu đạn, hỏa lực B40, 41 bắn liên tục các mục tiêu… Một số tên còn sống bỏ chạy. Đến 3 giờ 15 phút ngày 27/4, quân ta đã nhanh chóng làm chủ trận địa và chiếm giữ lô cốt, doanh trại bên cầu Rạch Chiếc. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là phải giữ cầu, chờ quân tiếp quản. Đến sáng 27/4, quân địch kết hợp bộ binh, xe tăng, tàu chiến và máy bay trực thăng phản kích để chiếm lại cầu. Ta lợi dụng công sự của địch đánh trả quyết liệt. Cứ mỗi lần tấn công không thành, chúng lại lùi ra rồi dùng pháo binh và trực thăng bắn phá dữ dội vào các vị trí chốt giữ của ta. Sau nhiều lần như vậy, chúng thấy dùng đạn pháo thường không hiệu quả nên chuyển sang dùng đạn pháo chụp. Đạn nổ từ trên không 5 đến 7 mét, mảnh đạn chụp xuống nên cuộc chiến trở nên rất khốc liệt. Lúc này, đạn dược trang bị cá nhân cạn kiệt, một số chiến sỹ đã hy sinh, có đồng chí bị bắt, đơn vị được lệnh rút về rừng dừa nước.


Tuy nhiên, sáng 29/4/1975, số chiến sỹ còn lại của Z22, Z23 (gồm 29 người) đã phải nhanh chóng sắp xếp đội hình để chuẩn bị đánh chiếm cầu lần thứ 2, bởi nhiệm vụ chiếm giữ cầu để đón đại quân vào theo đúng kế hoạch của chiến dịch chưa hoàn thành. Đúng 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, đơn vị của ta tiếp tục nổ súng đánh chiếm cầu lần nữa. Lúc này quân địch thất trận từ Xuân Lộc và Long Thành dồn về đây rất đông nhưng tinh thần của chúng vô cùng hoang mang nên khi ta nổ súng chúng chỉ chống trả yếu ớt rồi vứt bỏ vũ khí, súng đạn tháo chạy tán loạn. Ta nhanh chóng chiếm giữ được cầu một cách an toàn. Đến 9 giờ 30 phút ngày 30/4, xe tăng của Lữ đoàn 203 Quân giải phóng thọc sâu vào thành phố, lao qua cầu, tiến về giải phóng Sài Gòn.

Hoàn thành sứ mệnh


Ông Tư Cang cho biết, việc đánh chiếm và giữ vững cầu Rạch Chiếc, ngay sát "Thủ đô" của quân Mỹ - Ngụy, trong điều kiện địa hình trống trải, giữa vòng vây của địch, trong khi chiến dịch Hồ Chí Minh đang diễn ra ở vòng ngoài, cách cầu Rạch Chiếc từ 20 đến 30 km là một nhiệm vụ cực kỳ nặng nề đối với cán bộ và chiến sĩ đặc công. Tuy nhiên, các chiến sỹ đặc công của ta đã hoàn thành nhiệm vụ một cách rất xuất sắc. Còn ông Thọ, ấn tượng của trận đánh vẫn còn hiện hữu trong ông đến bây giờ. “Chiều ngày 27/4, khi đạn dược đã hết, cấp trên thấy tình hình nguy hiểm nên cho lệnh rút lui.

Tuy nhiên, địch vẫn đuổi theo khá đông, để cắt đuôi địch, chiến sỹ Nguyễn Văn Thất đã ra hiệu cho anh em rút về rừng dừa nước, còn mình ở lại chống trả. Một mình anh đánh lại hàng trăm tên địch đến khi hết đạn. Khi địch bắt được anh, chúng tức tối đã chặt anh làm đôi ném xuống bãi cỏ. Đây là chiến sỹ hy sinh để lại ấn tượng trong tôi khi tham gia trận đánh, một người chiến sỹ chấp nhận hy sinh bản thân để cho anh em rút an toàn” - ông Thọ nghẹn ngào kể lại. Sau ngày giải phóng, ông Thọ đã về lại chiến trường xưa để tìm đồng đội của mình. “Trong trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, các đơn vị tham gia chiến đấu đã hy sinh tổng cộng 52 người, riêng đơn vị Z23 của tôi hy sinh 14 người. Sau ngày giải phóng, tôi đã về lại đây tìm được chiến sỹ Thất và Việt để đưa về nghĩa trang Thủ Đức. Tính đến nay tôi đã tìm được 6 đồng đội của mình” - ông Thọ cho biết.


Cầu Rạch Chiếc hôm nay vẫn đang giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung… với TP Hồ Chí Minh. Năm vừa qua, cây cầu đã được thành phố đầu tư xây mới, mở rộng với chiều dài 295 m, rộng 38,5 m. Dù đã khoác lên mình một chiếc áo mới, nhưng đối với những người lính năm xưa nói riêng và những người dân TP Hồ Chí Minh nói chung bây giờ vẫn ghi nhớ những dấu ấn lịch sử ngày nào. Dù trong thời chiến hay thời bình, cây cầu Rạch Chiếc vẫn luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết- Đan Phương

Bài 3: Sức mạnh bền vững trong lòng dân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN