Kỹ năng sống - cả nhà cùng học - Bài cuối: Học sao cho hiệu quả

Để tạo được kỹ năng sống cho trẻ tốt nhất, ngoài việc tham gia các lớp học kỹ năng sống chính là môi trường gia đình, cha mẹ cần tạo điều kiện cho con mình thực hành những kỹ năng sống như giao tiếp, ứng xử, khám phá bản thân… ngay từ những việc nhỏ hàng ngày.


Kỹ năng sống phải rèn từ nhỏ


Trước đây, trẻ sinh ra, lớn lên được chăm sóc giáo dục bởi ông bà, cha mẹ, cô dì, chú bác, được vui chơi cùng bạn bè trong môi trường tự nhiên, nên dần hình thành những kỹ năng sống cần thiết. Ngày nay, xã hội phát triển, sáng sáng bố mẹ đưa đến trường, tối đón về, thậm chí thời gian tiếp xúc với bố mẹ cũng rất hạn chế, nên trẻ em ít có cơ hội trải nghiệm từ cuộc sống chung quanh, nhiều em học ở trường có thể rất giỏi nhưng ra ngoài lại thành “gà công nghiệp”, đụng đâu hỏng đó. “Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là vô cùng cần thiết và quan trọng, sẽ là hành trang theo trẻ suốt cuộc đời. Do vậy, trẻ cần được học kỹ năng sống ngay từ nhỏ để rèn luyện tính tự lập cũng như tự tin vào bản thân thì sau này, trẻ có thể tự đối mặt với những khó khăn và thách thức của cuộc sống”, Tiến sĩ, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.

Rèn luyện thể chất.


Thực tế, nhiều bậc phụ huynh quá chiều chuộng và bao bọc con mình, nhiều trẻ học lớp 2 mà vẫn phải bón cơm hay học sinh lớp 11 mà cha mẹ vẫn phải đưa đón hàng ngày… do vậy, trẻ phát triển thiếu nhiều kỹ năng sống. Tiến sĩ Đinh Đoàn phân tích: “Hiện nay các lớp dạy kỹ năng sống cũng chỉ như việc chúng ta bổ sung vitamin cấp tốc, chứ không phải là giải pháp lâu dài. Không ai học một lớp 5 ngày, 7 ngày mà có được kỹ năng sống, những lóp học này chỉ hướng dẫn cách thực hành thực tập cho trẻ. Còn việc học kỹ năng sống phải được rèn luyện từng ngày, từng giờ, tại chính gia đình”.


Chuyên gia này cho biết thêm, cuộc sống luôn luôn vận động nên không chỉ có trẻ em mà chính người lớn cũng phải học kỹ năng sống. Những vụ việc đau lòng đã từng xảy ra như nhiều học sinh trước áp lực cuộc sống, tình cảm… đã có hành động dại dột như nhảy cầu tự tử, bỏ nhà đi, là do trẻ thiếu kỹ năng sống, không làm chủ được bản thân. Ngoài ra, yếu tố cha mẹ, thầy cô, những người lớn xung quanh trẻ cũng ảnh hưởng rất nhiều. Người lớn không hiểu tâm lý trẻ em và đối xử với các em quá nặng nề, thừa những lời mạt sát, nên các em sẵn sàng “quyên sinh”. “Cha mẹ học kỹ năng sống và giúp con mình rèn luyện, trải nghiệm những kỹ năng sống từ nhỏ thì sẽ tốt hơn nhiều cho trẻ và tránh được những sự việc đáng tiếc như đã từng xảy ra”, Tiến sĩ Đinh Đoàn cho hay.


Nhà trường có một phần trách nhiệm


Tại nhiều quốc gia, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ được chú trọng không kém việc dạy kiến thức nhưng khái niệm kỹ năng sống hiện nay còn khá mới mẻ tại Việt Nam. “Nhiều trường học tại Việt Nam đã có chủ trương khuyến khích lồng ghép kỹ năng sống vào các chương trình học nhưng việc “lồng cái gì, ghép cái gì” thì không có hướng dẫn cụ thể nên rất khó cho thầy cô trong quá trình triển khai”, Tiến sĩ Đinh Đoàn nói.


Chị Quỳnh Anh (Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Con tôi năm nay học lớp 2, qua thực tế và hỏi cháu về chương trình học, thật sự tôi thấy cháu chỉ được học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa chứ hầu như không được học kỹ năng sống. Do con tôi khá nhút nhát nên dịp hè tôi cho cháu tham gia một số lớp học kỹ năng sống, hi vọng cháu sẽ tự tin và mạnh dạn hơn”.


Việc trẻ không được học kỹ năng sống tại trường là thực tế hiện nay. Người ta vẫn thường nói trường học là một xã hội thu nhỏ nhưng thực tế, học sinh của chúng ta vẫn đang chỉ học trên lý thuyết mà thiếu thực hành. Một số trường hiện nay có đưa kỹ năng sống vào chương trình học nhưng lại thiếu tính thực tế khiến các em khó vận dụng vào thực tế. Một số giáo viên thừa nhận rằng việc giảng dạy một số kỹ năng sống như tự tin trước đám đông, ứng xử trước thất bại, nhận thức bản thân… là khó vì bản thân thầy cô không phải là chuyên gia tâm lý, thứ nữa là không có tài liệu chính thức để giảng dạy cho các em.


Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết, hiện một số trường đã mời các chuyên gia, người có kinh nghiệm về giảng dạy, hướng dẫn giáo viên trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ, nhưng đó chỉ là số ít. “Việc ra đời các lớp kỹ năng sống đã giúp đáp ứng các nhu cầu thực tế trong cuộc sống hiện nay nhưng chẳng ai kiểm định được chất lượng của các lớp học này. Đây cũng là vấn đề mà các nhà quản lý nên quan tâm. Bởi kỹ năng sống là rất cần thiết cho trẻ, nhưng việc nhà trường và các đơn vị có trách nhiệm liên quan vẫn chưa tổ chức được những lớp học kỹ năng sống cho trẻ, mà để một số cá nhân, công ty tư nhân mở lớp dạy như vậy thì cũng rất đáng để tâm suy nghĩ”, tiến sĩ Đinh Đoàn nói.


Bài và ảnh: Quỳnh Như - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN