Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo tại các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, các chương trình mới chỉ tập trung vào việc xây dựng hạ tầng trường lớp, hỗ trợ học sinh đến trường. Trong khi đó, các chương trình dạy học cho trẻ em vùng dân tộc đang có những bất cập, ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của các em.
Đưa giá trị văn hóa bản địa vào giáo dục mầm non và tiểu học
Nhóm tổ chức làm việc về dân tộc thiểu số (EMWG) đang thí điểm đưa các giá trị văn hóa bản địa vào giáo dục trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Dự án “Khai thác văn hóa bản địa trong giáo dục cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” do tổ chức Plan thực hiện đang triển khai thí điểm tại một số trường của tỉnh Hà Giang, Quảng Ngãi, Kon Tum. Bà Lê Thị Bích Hạnh, đại diện tổ chức Plan, cho biết: “Nghiên cứu tâm sinh lý của trẻ em dân tộc thiểu số khối mẫu giáo và tiểu học cho thấy, những hình ảnh thường xuyên xuất hiện hoặc gắn bó với cuộc sống hàng ngày nếu được sử dụng để truyền dạy sẽ giúp các em tiếp thu dễ dàng hơn. Từ những yếu tố như vậy, nhóm nghiên cứu đã hỗ trợ phát triển các học liệu từ văn hóa bản địa như: Đồ dùng, đồ chơi, học vụ được sưu tầm từ vốn văn hóa và môi trường sống của các nhóm dân tộc địa phương. Thực tế cho thấy, với trẻ em vùng dân tộc, việc học tiếng Việt khó khăn như một ngoại ngữ, do đó nếu áp dụng cứng nhắc các chương trình hiện có sẽ không hiệu quả, việc dùng ngôn ngữ bản địa và học liệu địa phương sẽ giúp các em nhận thức nhanh hơn; vừa tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc, vừa góp phần bảo tồn truyền thống, giá trị văn hóa của dân tộc đó”.
Giờ lên lớp của học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú thị trấn Mường Tè. |
Những bộ tài liệu này được xây dựng bởi chính giáo viên đứng lớp với sự tư vấn của cán bộ văn hóa thôn bản; già làng trưởng bản, dân làng, cha mẹ học sinh.... Quy trình xây dựng chương trình vẫn dựa trên chương trình khung về giáo dục mầm non và tiểu học do Bộ GD-ĐT quy định, nhóm chuyên gia tư vấn cho giáo viên thu thập các câu chuyện, bài thơ, trò chơi dân gian, cách thức thể hiện phù hợp. Từ đó, xây dựng bộ tài liệu và các công cụ phục vụ như trò chơi, truyện tranh, xếp hình… dựa trên những nét văn hóa gần gũi trong cuộc sống hàng ngày.
Qua một thời gian áp dụng, chương trình sử dụng văn hóa bản địa trong dạy học đã được những nơi triển khai đánh giá cao. Thàng Vàng Pao, tình nguyện viên tại Hà Giang cho biết: “Bọn trẻ rất háo hức khi thấy các nhân vật từ những câu chuyện kể mà chúng thường được nghe kể hiện lên trang sách. Chúng bàn tán với nhau về cái áo của người anh trai, về con cáo có thể hát… và hỏi tôi rất nhiều về từng nhân vật trong truyện”.
Chị Trần Kim Thịnh, trưởng phòng mầm non, Sở GD-ĐT Hà Giang cho biết: “Chúng tôi đã không biết mình đang sở hữu một kho báu văn hóa dân gian như vậy. Bộ tài liệu này cho chúng tôi hiểu là sẽ không chỉ có hai dân tộc Dao và Mông, mà còn có rất nhiều câu chuyện, bài hát của các dân tộc khác có thể vận dụng vào việc dạy trẻ lứa tuổi mầm non và giúp các em học tốt hơn”.
Còn chị Chu Thị Lan, giáo viên mầm non ở vùng cao Hà Giang thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ hình dung những cái kiềng bếp, quấy tấu của người Mông và Dao lại có thể giúp tôi tìm ra cách dạy trẻ hữu ích như thế này. Khi hiểu văn hóa bản địa và sử dụng ngôn ngữ bản địa để giải thích các khái niệm mới cho trẻ nhanh hơn và giúp trẻ học tiếng Việt tốt hơn”.
Bà Thanh Nga, đại diện Unicef thừa nhận: “Việc sử dụng văn hóa bản địa và ngôn ngữ của dân tộc đó cho các chương trình dạy học mẫu giáo, tiểu học tại Lào Cai, Gia Lai, Trà Vinh từ năm 2006 cho thấy học sinh tiếp cận nhanh hơn. Thậm chí so sánh thì thấy lớp đưa chương trình sử dụng ngôn ngữ và giáo trình dựa trên văn hóa bản địa vào dạy học sinh tiếp thu rất nhanh; trong khi lớp bên cạnh sử dụng tiếng Việt dạy, học sinh gần như khó tiếp thu. Kết quả đánh giá đầu ra sau 2-3 năm với học sinh lớp 2 và lớp 3 cho thấy học sinh có học lực khá, khả năng tiếp thu và sử dụng tiếng Việt tốt hơn. Do đó, việc sử dụng văn hóa và ngôn ngữ bản địa tại vùng dân tộc thiểu số cần được triển khai rộng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị đối với lớp học mầm non và tiểu học nên dùng giáo viên là người bản địa hoặc nếu là giáo viên người Kinh thì cũng phải hiểu tiếng dân tộc”.
Sử dụng giáo viên người địa phương
Đánh giá về chương trình này, ông Trần Chí Giõi, bộ môn Văn hóa dân tộc, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Trong lĩnh vực giáo dục, ngành giáo dục cũng đã triển khai chương trình đơn ngữ, song ngữ khi đưa tiếng dân tộc vào giảng dạy. Tuy nhiên, mô hình chỉ thực sự có tác dụng khi ở một lớp chỉ có học sinh của một dân tộc. Thực tế ở nhiều vùng, có lớp tới vài ba dân tộc thì không thể dạy vài ba thứ tiếng trong một lớp được. Điều này đòi hỏi giáo viên phải biết một số ngôn ngữ bản địa để giải thích. Việc nhân rộng đại trà mô hình do Plan hoặc Unicef khuyến cáo khó khả thi do chi phí sẽ rất lớn, tuy nhiên áp dụng tại từng địa bàn thì có thể mang lại hiệu quả.
Còn chị Nguyễn Thị Mai Hoa, Ban Dân tộc - Tôn giáo, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì cho rằng: Với vùng dân tộc miền núi, Nhà nước triển khai rất nhiều chương trình, dự án; trong đó có những dự án đầu tư cho giáo dục, tuy nhiên khả năng tiếp nhận của học sinh dân tộc cho thấy nguồn nhân lực còn hạn chế. Nhiều trường tại vùng dân tộc miền núi sử dụng giáo viên người Kinh, được đào tạo bài bản nhưng khả năng chuyển tải hạn chế do không biết tiếng. Do đó, việc sử dụng giáo viên là người bản địa cần được tăng cường.
Ông Mông Văn Hợi, dân tộc Khơ mú, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho rằng: Đồng bào dân tộc càng ở vùng cao, vùng sâu thì càng ít người được học cao. Đúng là Nhà nước có chính sách ưu tiên vùng đồng bào dân tộc trong đó có lựa chọn con em của vùng dân tộc đi đào tạo cử tuyển, nhưng nên chọn đúng vùng đồng bào dân tộc ít người, những nơi thực sự khó khăn để cử đi đào tạo, tránh tình trạng việc cử tuyển lại rơi vào con em cán bộ xã, huyện. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ giáo viên bản địa của chính vùng đó. Thực tế tại các vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa của Nghệ An cho thấy, với khối giáo viên mầm non và tiểu học, nên sử dụng chính giáo viên người dân tộc đó để đứng lớp sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cùng với giáo trình chuẩn của Bộ, rất cần bổ sung tài liệu, học cụ bổ trợ khai thác văn hóa bản địa để học sinh dễ tiếp thu. Từ các lớp lớn hơn có thể sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính để giảng dạy.
Chính vì thế, Nhóm tổ chức làm việc về dân tộc thiểu số (EMWG) cho rằng, với cấp học mầm non và tiểu học, nhà nước cần sớm tạo nguồn giáo viên tại chỗ, nhất là giáo viên người dân tộc thiểu số; văn hóa bản địa cần được đưa vào các chương trình đào tạo; lập quỹ khuyến học trong cộng đồng, nêu cao tinh thần tương trợ và đề cao vai trò của già làng, người có uy tín trong thôn bản đối với lĩnh vực khuyến khích học tập; đồng thời những thông tin về các chính sách và chế độ ưu đãi cần được phổ biến rộng rãi tới đồng bào.
Xuân Minh