Do thời tiết nắng nóng kéo dài, tại hai xã An Hải và An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đã có gần 500 giếng nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm mặn, chiếm trên 80% tổng số giếng.
Các giếng này cũng đang có nguy cơ cạn kiệt nước, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của trên 2 vạn dân sinh sống trên đảo.
Ông Lê Hoài Ân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện đảo Lý Sơn cho biết: Gần một tháng qua, không chỉ nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn và cạn kiệt mà toàn bộ giếng nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp cũng rơi vào cảnh cạn trơ đáy. Gần 70 ha hành và cây trồng vụ hè thu sắp cho thu hoạch đang bị ảnh hưởng lớn đến năng suất, một số diện tích có nguy cơ mất trắng.
Trước mắt, huyện đảo Lý Sơn đã trích kinh phí chống hạn để tổ chức nạo vét hơn 50 giếng nước tại các khu dân cư trong huyện. Bản thân bà con các xã An Hải, An Vĩnh cũng khai thác tối đa những giếng nước ngọt còn sử dụng được tại địa phương, đồng thời đi chở nước ở các xã khác về để dùng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời, việc quan trọng là xử lý với những giếng bị nhiễm mặn thì đến nay vẫn... “giậm chân tại chỗ”.
Được biết, thời gian qua, trước tình trạng nguồn nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất ở huyện đảo Lý Sơn bị nhiễm mặn và có nguy cơ cạn kiệt, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã cho lắp đặt và thử nghiệm thành công mô hình thuộc dự án Hệ thống xử lý nước nhiễm bẩn thành nước ngọt sinh hoạt bằng hệ thống năng lượng mặt trời tại đây. Tuy nhiên, đến nay công tác khảo sát vẫn đang tiếp tục và dự kiến đến năm 2013 dự án mới có thể được triển khai.
Nguyễn Đăng Lâm