Hàng trăm hộ dân ở các xã Ngọc Bay, Kroong (thành phố Kon Tum), Sa Bình, Ia Ly, Ya Xier (huyện Sa Thầy), tỉnh Kon Tum, đang phải gấp rút thu hoạch diện tích sắn của gia đình trồng ở vùng đất bán ngập thủy điện Ya Ly. Đây là diện tích được người dân vừa mới trồng, sắn còn non, nhưng nếu không thu hoạch thì khi thủy điện đóng cửa xả nước, diện tích trên sẽ bị ngập và mất trắng.
Theo tính toán, mỗi kg sắn khi tới tay tư thương, người trồng phải gánh hàng loạt loại tiền khác nhau. Năm nay, vào đầu vụ (cuối năm 2011) khi người dân vừa trồng thì gặp mưa nhiều, giống bị úng ngập và chết, đến đầu năm phải trồng lại. Vì vậy số sắn trên chưa kịp già củ đã phải thu hoạch, hàm lượng tinh bột chưa nhiều nên bị tư thương ép giá, trong khi đó, công thu hoạch lại tăng cao. Ghi nhận từ các vùng trồng sắn, hiện giá công thu hoạch và vào bao bình quân 120.000 - 150.000 đồng/ngày, công chở từ chân rẫy lên bờ là 7.000 đồng/bao sắn loại 60 - 70 kg. Ngoài ra, để tới được điểm bán, người dân phải chịu thêm một lần công vận chuyển qua đò 3.000 đồng/bao... và bị trừ tạp chất (đất lẫn trong sản phẩm), nên thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.
“Nhà tôi năm nay làm 3 sào sắn ở vùng bán ngập, thu được 6 tấn. Khi mang tới bán cho tư thương lại bị trừ mất 2 tấn vì hàm lượng bột và tạp chất (đất trong sắn). Gần 7 tháng trời mà 3 chị em chỉ thu được 4 triệu đồng tiền sắn. Nếu trả tiền công các loại thì còn gì mà thu” - chị Y Bông ở thôn Măng La K’Tu, xã Ngọc Bay cho biết.
Theo chị Y Bông, nếu bán trực tiếp cho nhà máy thì người dân được hưởng lợi hơn từ 200 - 400 đồng/kg so với bán cho tư thương nhưng “tư thương cho mình vay tiền để sản xuất, đến mùa thu hoạch thì mình phải bán sắn cho họ thôi". Cũng theo chị Y Bông, trong làng có 3 người chuyên cho người làng vay theo kiểu sau vụ thu hoạch sẽ thu mua lại sản phẩm. “Nhiều nhà bán sắn cũng chẳng đủ trả nợ tiền trồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp người trồng sắn bị lỗ. Bản thân nhà tôi năm trước cũng lỗ 8 triệu đồng”.
Theo anh A Quết - Chủ tịch UBND xã Ngọc Bay: Năm nay giá sắn tiếp tục rẻ, người trồng sắn lại bị tư thương ép giá nên bà con vất vả lắm. Bà con còn khó khăn nên thường bán cho tư thương vì họ mua trực tiếp tại ruộng. Bán cho nhà máy được giá thì tốn tiền công thuê xe, thuê đò... trong khi bà con tiền đâu mà thuê. Trước thực trạng trên, người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có sáng kiến để tiết kiệm chi phí bằng cách hình thành các tổ vần đổi công. Mỗi tổ là một vài nhóm hộ trong cùng 1 làng giúp nhau thu hoạch, vận chuyển sắn để tránh lỗ. Theo tính toán mỗi tổ có khoảng 15 - 20 người, làm trong 1 ngày chỉ mất khoảng 200.000 tiền ăn, nhờ vậy đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí tiền thuê nhân công lao động.
Các tổ vần đổi công rất hữu dụng cho người dân trồng sắn để giảm chi phí trong niên vụ sắn này. Tuy nhiên, Kon Tum đang sắp bước vào chính vụ thu hoạch sắn, với giá cả như hiện nay (bằng 1/3 so với năm 2010) thì người trồng sắn nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
Hoàng Cao Nguyên