“Từ khi có đường tuần tra biên giới (TTBG) đến nay, đồng bào các xã Bắc Xa, Bình Xá... huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đã có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bằng cách trồng thông lấy nhựa và khai thác nhựa thông xuất khẩu”...
Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban quản lý dự án đường TTBG (gọi tắt là Ban QLDA 47) đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy trong cuộc trò chuyện đầu xuân.
Với mục tiêu phục vụ trực tiếp công tác quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, tháng 3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 313/QĐ - TTg phê duyệt “Đề án quy hoạch xây dựng đường TTBG đất liền giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo”.
Triển khai Quyết định này, Bộ Quốc phòng đã tổ chức xây dựng hệ thống đường TTBG trên địa bàn 20 tỉnh với 53/56 dự án với tổng chiều dài 2.016/2070 km theo kế hoạch. Trong đó Bộ Tổng Tham mưu làm chủ đầu tư 32 dự án mở mới với tổng chiều dài 1.520 km (gần bằng tuyến đường bộ từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh). Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh làm chủ đầu tư 16 dự án chuyển tiếp với tổng chiều dài 386 km; các Quân khu 1, 2, 3, 4 làm chủ đầu tư 5 dự án với tổng chiều dài 109 km.
Các đơn vị thi công nổ mìn, phá đá chuẩn bị mặt bằng xây dựng đường TTBG khu vực Tây Bắc (ảnh do đơn vị cung cấp). |
Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết: Với 32 dự án do Bộ Tổng Tham mưu làm chủ đầu tư triển khai trên địa bàn 16 tỉnh (từ Quảng Ninh đến Đồng Tháp) hiện nay đã thông tuyến được 1.300/1.520 km, trong đó có 3 cầu lớn qua sông Mã (Sơn La), sông Sa Thầy (Kon Tum) đã hoàn thành; hoàn thiện mặt đường bê tông xi măng được 540/1.520 km.
Nhờ những chiếc cầu do Ban QLDA 47 triển khai xây dựng mà đời sống nhân dân đôi bờ sông Mã, sông Sa Thầy đã thay đổi rõ nét. Nhân dân các dân tộc những địa phương có con đường đi qua rất phấn khởi và tích cực lao động sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
Đánh giá về con đường này, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Kon Tum khẳng định: Đường TTBG là con đường tốt nhất giúp Kon Tum phát triển kinh tế xã hội. Còn với các chiến sĩ Đồn biên phòng Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) thì từ khi có đường TTBG đã làm thay đổi lớn đời sống xã hội tại các xã Bắc Xa, Bính Xá...
Nhờ có đường TTBG, các địa phương vùng biên giới tỉnh Sơn La, Điện Biên đã có đường giao thông thông suốt đến nhiều xã trong cả mùa mưa, góp phần đưa ánh sáng văn hóa, văn minh lên vùng cao biên giới. Đồng bào đã lưu thông được hàng hóa, nông sản trong nội địa cũng như xuất khẩu qua đường chính ngạch, tiểu ngạch, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư.
Có được những kết quả ban đầu ấy, trong quá trình triển khai dự án Ban QLDA 47 đã phối hợp trực tiếp, thường xuyên với các địa phương để giải quyết những khó khăn để triển khai thi công. Những chiến sĩ lực lượng vũ trang của các đơn vị quân đội và các đơn vị thi công đã thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ rừng, thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ và được nhân dân các huyện, xã biên giới ủng hộ, tin yêu.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Ban QLDA 47 đã quy hoạch xây dựng đường TTBG trên địa bàn 17/25 tỉnh (3 tỉnh Quảng Ninh, Gia Lai, Kon Tum sẽ hoàn thành đường TTBG vào năm 2011 - 2012 và 5 tỉnh là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sẽ triển khai sau năm 2015). Trong giai đoạn này sẽ có 18 dự án thành phần với tổng nhu cầu vốn xây dựng là 10.615 tỷ đồng, tổng chiều dài được đầu tư xây dựng là 1.200 km..
Theo Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban QLDA 47 thì để dự án được triển khai đúng tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ số một do đường TTBG chủ yếu đi qua các khu vực rừng đầu nguồn, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
Công tác giải phóng mặt bằng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương chủ trì, tổ chức thực hiện, nhưng trong quá trình thi công hiện còn rất nhiều vướng mắc, cách làm của mỗi tỉnh khác nhau, nhiều thủ tục, tốn nhiều thời gian, công sức chưa phù hợp với đặc thù của đường TTBG... Về đường biên, mốc giới tại một số khu vực biên giới chưa được phân định rõ, Ban QLDA 47 đã đề nghị Chính phủ và các địa phương đẩy nhanh tiến trình đàm phán, phân giới cắm mốc để dự án triển khai đúng kế hoạch được giao.
Nguyễn Viết Tôn