Đổi thay vùng Khmer Nam Bộ: Sắc diện mới trên những phum sóc

Về thăm đồng bào Khmer vùng đất Tây Nam Bộ, đi đến đâu chúng tôi cũng gặp hình ảnh những phum sóc mộc mạc, thanh bình. Một sắc diện mới trên những vùng đất đang ngày ngày đổi mới.


Một thoáng Đại Tâm


Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, (Sóc Trăng) Lâm Sơn Hiển dẫn chúng tôi đến khu dân cư tập trung mới hình thành trong vài năm trở lại đây. Những căn nhà tường liền kề nằm sâu trong sóc, nhưng vẫn có đường ô tô đến tận nơi. Chị Lâm Thị Diễm, một cư dân ở đây cho biết: “Có được nhà cửa và cuộc sống như ngày hôm nay, chúng tôi biết ơn Bác Hồ lắm…”. Chị Diễm là một nông dân nghèo sống bằng nghề làm mướn, nhà của chị trước đây nằm trên bờ kênh ở thôn Nghĩa Thắng, cứ mỗi lần vào mùa gió chướng là căn nhà lại lung lay muốn bay mất, quanh năm mưa dột, gió lùa.

 

Ngày mới thanh bình trên phum sóc ngày một khang trang của người Khmer Nam Bộ.

 

Cả hai vợ chồng đi làm mướn nuôi ba đứa con nên cuộc sống rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, chưa bao giờ dám nghĩ mình có được một ngôi nhà khang trang… Đầu năm 2010, khi được Nhà nước xây dựng cho căn nhà này, cả gia đình rất bất ngờ như vừa nằm mơ… Nói về cuộc sống hiện tại, chị Diễm cho biết: Con chị đã đi làm, phụ giúp được gia đình, hai vợ chồng ngoài đi làm thuê kiếm tiền còn nuôi bò, lấy công làm lãi nên cuộc sống cũng ổn định hơn nhiều.


Không riêng gia đình chị Diễm, những hộ dân trong khu này tuy mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều có một điểm chung là không có đất đai, nhà cửa. Những chính sách đầu tư của Nhà nước cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn đã làm thay đổi cuộc sống của họ. Chị Sơn Thị Huyền, trước đây cũng có cùng hoàn cảnh như chị Diễm, nhà cửa không có. Từ khi được nhà nước trợ cấp nhà, đất đến nay cuộc sống gia đình chị đã ổn định. Hàng ngày chị thu mua sản phẩm hoa màu trong vùng mang ra chợ Nhu Gia bán lẻ, thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Trong chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, theo Quyết định 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong 4 năm Trà Vinh đã cho 2.468 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn vay phát triển sản xuất hơn 11,8 tỷ đồng, giải quyết được nhu cầu bức xúc về vốn vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào.


Anh Lâm Sơn Hiển cho biết: toàn xã đã hình thành 3 khu dân cư tập trung với khoảng 44 hộ được cấp đất, nhà theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên cũng không phải dễ dàng để hình thành khu dân cư như hiện nay vì phần lớn các địa phương đều “vướng” do định mức tiền/diện tích đất không phù hợp với giá thị trường.

Nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh cũng vướng thực tế này, nên nhiều hộ nằm trong diện được thụ hưởng chính sách vẫn không được hưởng những đầu tư, do Ngân hàng chính sách xã hội không thể giải ngân theo quy định. Việc hình thành khu dân cư này cũng xuất phát từ những khó khăn đó. Thay vì vận động người dân để mua nhà, mua đất tại chỗ với mức giá khác nhau ở những nơi khác nhau, xã đã linh động quyết định mua nguyên khu đất với giá cả hợp lý để hình thành nên khu dân cư cho những hộ thuộc diện được hưởng đầu tư theo Quyết định 74/QĐ-TTg. Thực tế, cách làm này đã phát huy hiệu quả và đang tiếp tục được nhân rộng.


Hiệu quả của chính sách đầu tư


Trà Vinh và Sóc Trăng là hai tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Điểm chung là đa số đồng bào Khmer sống bằng nông nghiệp. Những năm gần đây, các chính sách đầu tư đồng bộ trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục đã góp phần làm thay đổi cơ bản cuộc sống của đồng bào Khmer tại các địa phương này.


Theo ông Kim Hồng Danh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, hiện đồng bào Khmer đang thụ hưởng trên 10 chương trình đầu tư của Chính phủ và của địa phương, nên đời sống đồng bào thay đổi rõ rệt. Điều dễ nhận thấy là ở các phum sóc vùng sâu, vùng xa đã xuất hiện những ngôi trường mẫu giáo, nhà trẻ khang trang. Con em đồng bào Khmer vùng sâu đã được thụ hưởng những chính sách giáo dục như những vùng trung tâm. Toàn tỉnh Trà Vinh có 40 em người Khmer thi đậu vào ngành y khoa, khi ra trường đều có công ăn việc làm ổn định.


Trong 4 năm trở lại đây, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, kinh tế vùng dân tộc thiểu số tăng trưởng đáng kể. Điều đáng mừng là việc đầu tư, quy hoạch, lựa chọn công trình, địa điểm xây dựng, tham gia xây dựng, giám sát công trình trong quá trình thực hiện… đều được thực hiện dân chủ. Đồng bào tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất, hoa màu khi có công trình đi qua…


Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đã giúp cho hơn 1.000 hộ có đất sản xuất, giải quyết việc làm, mua máy móc nông cụ, chuyển đổi ngành nghề cho 26.604 hộ, đào tạo nghề 155 lao động... Đề án hỗ trợ hộ người nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh, đã hỗ trợ hơn 12 nghìn hộ đồng bào dân tộc Khmer, xây dựng gần 14 nghìn căn nhà hỗ trợ cho người nghèo dân tộc thiểu số, với kinh phí hơn 469 tỷ đồng.


Theo thầy Kim Ngọc Ẩn, Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện Trà Cú: Những chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc Khmer không chỉ làm thay đổi diện mạo, đời sống nông thôn trong vùng mà còn làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân vùng nông thôn xa xôi. Khác với trước đây, đồng bào Khmer chưa quan tâm đến việc cho con cái đi học, thì hiện nay phần lớn họ muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn trong các trường chính quy, chất lượng cao.

Ngay tại trường Dân tộc nội trú huyện Trà Cú, hai năm trở lại đây, 100% học sinh Khmer đỗ tốt nghiệp, 60% đỗ đại học, có cả những em đỗ vào các trường điểm như Đại học Y TP Hồ Chí Minh. Hầu hết học sinh còn lại của trường đều vào học các trường cao đẳng, đại học theo nguyện vọng hai hoặc dự bị đại học. Những thành tích này cho thấy, chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước đang đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Những khởi sắc trong giáo dục chính là viên gạch mang tính nền móng cho những bước phát triển kế tiếp trong đời sống đồng bào Khmer.


Bài và ảnh:Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN