Tình trạng thiếu cơ sở dạy nghề nội trú, hạ tầng cơ sở không đáp ứng được yêu cầu dạy học, là những bất cập khiến cho việc hoàn thành mục tiêu của Đề án 1956 gặp khó khăn.
“Tốt nước sơn”
Từ nguồn kinh phí của Đề án 1956 phân bổ, năm 2010, tỉnh Nghệ An đã chi 1,5 tỷ đồng để xây mới trụ sở và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện miền núi Tân Kỳ, bao gồm 12 phòng học khang trang, một phòng máy may và một phòng thiết bị nghề cơ điện, gò hàn. Vậy nhưng, từ khi khánh thành đến nay, các phòng học vẫn gần như chưa hoạt động, bàn ghế phủ đầy bụi.
Không có cơ sơ đào tạo nội trú, các trung tâm dạy nghề vẫn phải tổ chức tập huấn cho đồng bào tại các xã hoặc theo kiểu “đầu bờ”. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện Tân Kỳ, việc mở các lớp gò hàn, điện dân dụng, may công nghiệp... ở địa phương rất khó thu hút học viên. Có chăng mở các lớp chăn nuôi, thú y thì người dân còn quan tâm.
Ông Hùng tỏ ra ngán ngẩm khi đưa ra bản đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của huyện Tân Kỳ giao cho Trung tâm. Theo đề án này, đến năm 2015, Trung tâm sẽ đào tạo nghề cho khoảng 11.500 -12.000 người.
Cũng tình trạng tương tự, Trung tâm Dạy nghề huyện miền núi vùng cao Kỳ Sơn (Nghệ An) được đưa vào sử dụng từ năm 2011 với khuôn viên rộng, lớp học khang trang. Tuy nhiên, phía trong vẻ ngoài hoành tráng ấy lại là sự thiếu thốn đủ bề. Trang thiết bị thiếu đã đành, ngay cả giáo viên và học viên cũng... thiếu. Giáo viên phải hợp đồng thời vụ với các nơi khác nên mới xảy ra tình trạng: Lúc có học viên thì thiếu giáo viên, lúc có giáo viên lại không có học viên để tổ chức lớp.
Trong 3 năm (2010-2012) cả nước chỉ có trên 836.600 lao động DTTS được đào tạo nghề. |
Trong báo cáo ngày 29/7/2013 gửi Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì thực hiện Đề án 1956, cho biết: Tại 51 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, hiện có tất cả 1.197 cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn vùng DTTS. Tính đến cuối năm 2012, 468/1.197 cơ sở dạy nghề này đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề với tổng kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng. Theo phép chia đơn thuần thì bình quân một cơ sở đã được đầu tư hơn 4,9 tỷ đồng để xây dựng trụ sở, trang thiết bị dạy nghề.
Trong khi đó, sau 3 năm (2010-2012) triển khai Đề án 1956, cả nước chỉ có 836.636 lao động DTTS được đào tạo nghề. Nếu chia bình quân thì trong 3 năm, mỗi cơ sở dạy nghề chỉ đào tạo được khoảng 698,9 học viên DTTS, tương ứng một cơ sở dạy nghề chỉ đào tạo được hơn 232 học viên/năm.
Thiếu cơ sở dạy nghề nội trú
Với điều kiện đi lại khó khăn như ở vùng dân tộc, miền núi thì việc theo đuổi học nghề, nhất là chương trình đào tạo ngắn hạn (sơ cấp hoặc dưới 3 tháng), tại một cơ sở dạy nghề không được ở nội trú là rất khó khăn. Mặc dù lao động DTTS đi học được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí học tập tại trường nghề, nhưng từ bản làng xa xôi ra trung tâm huyện để học 2 năm trung cấp, mấy tháng sơ cấp cũng phải có tiền ăn ở, đi lại. Mỗi tháng dù tằn tiện hết mức, một lao động cũng phải mất khoảng 700.000 đồng. Đối với các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, khoản chi này vượt quá khả năng.
Em Và Y Ỳ, dân tộc Mông, ở xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), cho biết: “Mặc dù đi học không phải đóng học phí, còn được hỗ trợ tiền ăn, nhưng em phải thuê trọ ngoài, giá cả sinh hoạt ở thị trấn lại đắt đỏ. Gia đình nghèo nên nuôi em học rất khó khăn”.
Hiện cả nước có 13 trường nghề dân tộc, miền núi. Trong đó, một số trường có khoa dạy nghề nội trú hoặc một số trung tâm dạy nghề có tổ chức dạy nghề dân tộc nội trú. Chính vì vậy, tính đến cuối năm 2012, cả nước mới chỉ có… 936 lao động DTTS theo học nghề nội trú tại 4 tỉnh là Lạng Sơn, An Giang, Sóc Trăng, Bình Phước. Trong số 936 lao động DTTS theo học nội trú thì có 11 người học cao đẳng nghề, 925 người học trung cấp nghề.
Phải khẳng định rằng, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở, các trường dạy nghề dân tộc nội trú là một trong những “chìa khóa” để mở cánh cổng đào tạo nghề cho lao động DTTS. Thiết nghĩ, các nhà hoạch định, các nhà quản lý cần có sự điều chỉnh quy hoạch, mạng lưới cũng như kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở, các trường dạy nghề một cách hợp lý. Trong đó, cần xem xét hỗ trợ ở mức tối đa nhất cho lao động DTTS vượt qua các khó khăn để theo đuổi học nghề, tìm kiếm việc làm sau khi được đào tạo.
Bài và ảnh: Nhóm PV
Bài 3: Khoảng trống trong thực hiện đề án