Những năm qua, phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Tây Bắc (giáp nước bạn Lào). Đóng góp không nhỏ trong thành quả đó là vai trò của những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.
Người có uy tín thường xuyên tham gia các hoạt động cùng bộ đội biên phòng tạiđường biên, cột mốc. |
Đầu xuân, chúng tôi có dịp ngược lên Tây Bắc. Chiếc xe u oát gồng mình trong mưa mù, vượt hơn 100 km đường đèo dốc trên Quốc lộ 6, thêm gần 30 km đường núi, đưa chúng tôi tới Đồn biên phòng 469 trên địa bàn xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu.
Sau chuyến đi, dường như ai cũng thấm mệt, cơm nước xong xuôi, anh em ngồi tâm sự hàn huyên. Đủ thứ chuyện gia đình, vợ con, quê quán, cuối cùng vẫn là công việc. Trong cái lành lạnh của đất cao nguyên, lâng lâng của chén rượu quê, chúng tôi như hết mệt mỏi... Cứ vậy, giấc ngủ đến lúc nào không hay.
Sáng hôm sau, Đại úy Mạc Xuân Cường, Đồn phó lên kế hoạch với chúng tôi”: “Sáng nay sẽ có anh em trong Đội phụ trách xã đưa anh đi thực địa biên giới. Cần gì anh cứ trao đổi với thiếu tá Trần Đức Thể, Đội trưởng nhé!”.
7 giờ 30 chúng tôi lên đường. Thật may, hôm trước mưa to là thế mà bây giờ trời lại nắng chang chang. Vừa đi, chúng tôi vừa trò chuyện. Theo thiếu tá Thể: Các cột mốc thuộc phạm vi quản lý của Đồn 469 về cơ bản đã hoàn tất phân giới, cắm mốc. Hiện nay cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng đang tập trung cùng đồng bào các dân tộc tham gia quét dọn, bảo vệ các cột mốc, chờ phía bạn bàn giao.
Chuyện còn dang dở, chúng tôi đã vào đến bản Phiêng Cài. Sau cái bắt tay thật chặt với Trưởng bản Phiêng Cài, Tráng Và Để, dân tộc Mông, chúng tôi vào Nhà văn hóa bản uống nước. Tráng Và Để kể cho chúng tôi nghe chuyện gia đình, chuyện thôn bản. Cả bản có 58 hộ, 365 khẩu, 100% là đồng bào Mông, tỉ lệ hộ nghèo còn khoảng 30%, là bản thụ hưởng Chương trình 135 Giai đoạn II của Chính phủ...
Tráng Và Để làm Trưởng bản đã 7 năm - là một trong những Trưởng bản lâu năm và rất có uy tín với đồng bào ở Phiêng Cài. Chính vì vậy, trong phong trào tự quản đường biên, cột mốc, Tráng Và Để là một trong những người hăng hái nhất. Tráng Và Để cho biết: “Là Trưởng bản, mình thường xuyên tham gia các chuyến tuần tra biên giới cùng các anh ở Đồn biên phòng; từ đó có những thông tin mới về tình hình biên giới về phổ biến, tuyên truyền lại cho bà con. Mình cùng anh em trong dòng họ, dân bản thường xuyên đi kiểm tra vành đai biên giới, các cột mốc, có gì không bình thường sẽ báo ngay cho mấy anh. Có lúc thì gặp trực tiếp, có lúc báo qua điện thoại di động”.
Theo thiếu tá Trần Đức Thể, những Trưởng bản, người có uy tín như Tráng Và Để đã và đang giúp đỡ bộ đội biên phòng rất hiệu quả. Bây giờ, ngoài chuyện đường biên, cột mốc, tình cảm giữa bà con các dân tộc với bộ đội biên phòng đã như người nhà. Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn được chia hai. Đó là còn chưa kể đến chuyện bộ đội biên phòng thường xuyên qua lại giúp đỡ bà con cách thức trồng lúa nước; cách chăm sóc con lợn, con gà những khi có dịch, giúp đồng bào dựng ngôi nhà mới...
Chúng tôi tiếp tục hành trình lên Cửa khẩu Lóng Sập. Cùng đi còn có ông Tráng No Páo, Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi bản Phiêng Cài. Ông Páo năm nay 56 tuổi, người nhỏ thó nhưng chắc nịch, túi thổ cẩm khoác lệch một bên hông, đi lại nhanh như một con sóc. Nguyên là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lóng Sập, kiến thức pháp luật và những năm tháng làm công tác mặt trận đã là hành trang quý báu giúp ông cùng bộ đội biên phòng và dân bản bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Ông Páo cho biết: “Tuy nghỉ hưu nhưng mình chưa nghỉ việc đâu. Còn sức khỏe thì còn phải làm việc, làm việc để giúp đỡ bộ đội biên phòng, giúp đỡ dân bản mình thoát khỏi đói nghèo, bảo vệ biên giới chứ!”.
Đồng bào dân tộc là vậy, chất phác, thật thà mà chan chứa tình cảm. Đóng quân nơi biên ải, được “4 cùng” với đồng bào như thế, hẳn cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng như được nhân thêm sức mạnh, khắc phục khó khăn, gian khổ, chắc tay súng, vững biên cương. Đại úy Đỗ Minh Thái, Đồn phó Đồn Biên phòng 469, kiêm Trạm trưởng Trạm Kiểm soát cửa khẩu Lóng Sập, tâm sự: “Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc vùng biên, nhất là những người có uy tín đều chung sức chung lòng với cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng tham gia tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Người có uy tín ở Lóng Sập có vai trò rất lớn. Nhờ có họ, công tác tuyên truyền quy chế biên giới được tốt hơn, từ đó nhận thức của đồng bào hai bên biên giới được nâng lên, hạn chế được tình trạng vi phạm Quy chế biên giới và nhiều vi phạm khác. Người có uy tín thường xuyên tạo điều kiện, giúp đỡ bộ đội biên phòng về mọi mặt. Thực tế cho thấy, trong phong trào tự quản đường biên, cột mốc, nơi nào nhận được sự giúp đỡ tích cực của đồng bào thì thành công sẽ lớn hơn”.
Quả đúng vậy, bởi lẽ vành đai biên giới, nơi có đường biên, cột mốc chính là nơi gắn liền với cuộc sống thường nhật của đồng bào. Mọi di biến động đều không lọt qua được tai mắt của bà con. Trong những năm qua, người có uy tín ở Lóng Sập đã cung cấp hàng trăm tin tức cho lực lượng chức năng, tham gia tăng dày, tôn tạo các cột mốc; góp phần quan trọng trong việc cùng bộ đội biên phòng giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Bài và ảnh: Minh Thu