Cư M’gar, huyện trọng điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk đang từng bước mở rộng diện tích sản xuất cà phê có chứng chỉ và truy nguyên nguồn gốc theo nguyên tắc 4C, UTZ Certifed, GAP... với trên 6.000 ha, góp phần phát triển cà phê bền vững, an toàn. Sản phẩm cà phê nhân sản xuất có địa chỉ, truy nguyên nguồn gốc có giá bán cao hơn và được khách hàng quốc tế tiêu thụ mạnh, tăng thu nhập cho người lao động.
Các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn huyện Cư M’gar được các doanh nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn cụ thể các quy trình kỹ thuật bón phân, tưới nước tiết kiệm, nhất là tăng cường bón phân hữu cơ, phân chuyên dùng, phân bón lá, áp dụng phòng trừ dịch hại tổng hợp, hạn chế tối đa phun thuốc hóa học. Trong từng niên vụ, các nông hộ cũng đã tận dụng tốt nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như bẹ, cùi ngô, vỏ đậu, xác trấu cà phê ủ hoai mục, làm được hàng chục ngàn tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cà phê. Với các vườn cà phê hết chu kỳ kinh doanh, các nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Cư M’gar đã thực hiện tốt việc cưa đốn phục hồi bằng phương pháp ghép chồi với các dòng vô tính chọn lọc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR10, TR12, TR13. Đây là các giống cà phê mới hạn chế được sâu bệnh, có năng suất cao, nhân lớn đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu. Các nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn cũng đã trồng cây che bóng, thu hái quả chín, chế biến, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật.
Quang Huy