Ngày 1/3, tại Sơn La, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và tỉnh Sơn La đồng tổ chức hội thảo "Kinh tế - xã hội các huyện nghèo, thực trạng và giải pháp".
Đại biểu của 9 tỉnh phía Bắc có Chương trình 30a (Giảm nghèo nhanh và bền vững) gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang cùng các bộ, ngành liên quan đã tham dự. Ông Ksor Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì hội thảo.
Báo cáo tại hội thảo, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá: Trong 2 năm (2009-2010) thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo nhất được bố trí dự án đều giảm từ 4-7%. So với mục tiêu giảm nghèo theo đề án 30a, một số tỉnh đạt được mục tiêu như Hà Giang 22,7%, Lai Châu 25,4%, Cao Bằng 35,3%... Những kết quả đạt được cho thấy Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là một chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc nói chung và các huyện nghèo nói riêng. Chương trình đã tạo sự chuyển biến nhanh hơn để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn miền núi đã khởi sắc, dân trí được nâng cao hơn. Các bộ, ngành, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp cùng chương trình.
Tuy nhiên, Báo cáo của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng nhận định, nhiều huyện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao như: huyện Mường Nhé 77,87% và Tủa Chùa (Điện Biên) gần 73,8%, các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái) từ 69-77,5%, Bắc Ái (Ninh Thuận), Đam Rông (Lâm Đồng), Bình Định từ 46 đến 52%. Công tác giảm nghèo tại nhiều huyện khó khăn thực chất vẫn chưa vững chắc, một bộ phận có nguy cơ tái nghèo cao, thu nhập thấp, nên khi áp dụng chuẩn mới của giai đoạn 2011-2015, phần lớn hộ mới thoát nghèo theo chuẩn cũ lại rơi vào diện nghèo theo chuẩn mới.
Nhiều ý kiến tham luận trong hội thảo đề nghị Quốc hội tiếp tục bố trí đủ ngân sách hàng năm cho Chương trình 30a để đảm tiến độ; tăng cường giám sát của Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức sơ kết, đánh giá quá trình triển khai thực hiện để điều chỉnh những bất cập, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài dẫn đến hiệu quả thấp; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đồng bào dân tộc về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo để chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự mang lại hiệu quả.