Chủ động chống rét cho gia súc, cây trồng

Địa hình Lai Châu chủ yếu là núi đá và đồi núi cao, mùa đông hàng năm nhiệt độ xuống rất thấp, mưa ẩm, xuất hiện rét đậm, rét hại kéo dài… Để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, không để gia súc chết, gây thiệt hại về kinh tế, nhiều hộ gia đình đã có nhiều biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, một số bà con vẫn chủ quan, nên 10 ngày qua, toàn tỉnh có trên 200 con gia súc và 237 ha thảo quả chết.


Người dân chủ động


Theo ông Hoàng Xuân Huề, Chủ tịch UBND xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu) - một trong những xã có nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhất huyện, ý thức của đồng bào trong việc phòng, chống rét cho gia súc đã được nâng lên trong những năm gần đây. Ngay từ khi thu hoạch lúa, xã đã quán triệt đến bà con nhân dân phải tích trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời giữ trấu thóc, củi khô để đốt lửa sưởi cho gia súc, đề phòng rét hại kèm theo sương muối xuất hiện. Nhờ đó, đồng bào tự chủ động thức ăn, nên tình trạng trâu, bò bị chết rét đợt này đã giảm đi đáng kể.

Người dân bản Ba Be, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chủ động tích trữ rơm cho gia súc vào mùa rét.


Những năm trước, gia đình chị Lò Thị Văn, dân tộc Lự, ở bản Ba Be, xã Bình Lư vẫn có thói quen thả rông gia súc của mình ra đồng, mặc cho nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Do không tích trữ sẵn thức ăn cùng với việc trâu cước chân, nên trâu đã bị chết. Hai năm nay, được cán bộ xã, huyện xuống tuyên truyền, hướng dẫn, nên không còn phải lo trâu chết. Chị Văn chia sẻ: “Nhiều bà con sau khi thu hoạch lúa xong thường tích trữ rơm thành đống lớn, nhưng muốn rơm để được lâu dài thì phải xử lý qua nước vôi, rửa sạch và phơi khô. Như vậy, rơm vừa để được lâu mà gia súc cũng dễ tiêu hóa hơn”.


Toàn huyện Tam Đường hiện có gần 50.000 con gia súc, trong đó nhiều nhất là lợn và trâu, bò. Qua trao đổi với cán bộ nông nghiệp huyện, được biết, trước đây nhân dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước như khi gia súc chết thì được tiền hỗ trợ. Dựa vào chính sách này, một bộ phận không nhỏ bà con không quan tâm đến “đầu cơ nghiệp” của mình. Trước thực tế này, nhiều đoàn cán bộ nông nghiệp đã xuống tận thôn, bản tuyên truyền vận động bà con, nhắc nhở nâng cao ý thức hơn. Bên cạnh đó, để chủ động kiểm soát bệnh dịch, đến nay huyện Tam Đường đã hoàn thành tiêm phòng đợt II trên đàn gia súc và triển khai tiêm phòng dịch lở mồm long móng đợt I năm 2014.


Còn nhiều hộ vẫn chủ quan


Xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) có 1.333 con trâu, bò, trong đợt rét đậm, rét hại này đã chết 7 con do bà con không có biện pháp giữ ấm cho trâu, bò, chuồng trại không được che chắn, nhiệt độ xuống thấp và đói ăn. Gia đình bà Thào Thị Vang, bản Hồng Thu Mông, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ đã bị chết 1 con trâu, có giá hơn 20 triệu đồng. Bà Vang chia sẻ: “Do gia đình chủ quan không quây bạt và đốt lửa giữ ấm cho trâu, nên trâu bị chết, giờ không còn trâu để cày kéo, gia đình không biết phải làm sao”.

Không che chắn, gia súc sẽ bị chết rét.


Còn gia đình anh Sùng A Deo, dân tộc Mông, ở bản Pa Vệ Sử, xã Pa Vệ Sử, huyện Phong Thổ, hồi đầu tháng 9 đã có một con trâu bị chết do dịch. Đợt rét đậm này, gia đình anh cũng bị chết một con trâu hơn 1 năm tuổi, mổ bán thịt chỉ thu được 800.000 đồng. Dù gia đình anh Deo có mặc áo mưa cho trâu, nhưng do không có chuồng trại cho trâu ở ấm nên trâu vẫn chết.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, các hộ có trâu, bò, cây trồng chết sẽ không được hỗ trợ, vì đây là do thiên tai, cũng là do người dân không ý thức chủ động chống rét cho vật nuôi, cây trồng nhà mình. Các hộ gia đình có trâu, bò và cây trồng chết phải tự khắc phục và tìm hướng tái sản xuất, ổn định đời sống.


Trong khi đó, tại các xã phía ở phía bắc huyện Phong Thổ như: Vàng Ma Chải, Dào San, Pa Vệ Sử, Tông Qua Lìn, Mù Sì San… do ở độ cao, rét đậm kéo dài và có sương muối phủ kín làm nhiều diện tích thảo quả của bà con bị chết hàng loạt. Gia đình anh Vàng A Dê, dân tộc Mông, ở bản Pa Vệ Sử, xã Pa Vệ Sử, huyện Phong Thổ, có hơn 1 ha thảo quả đang thu hoạch bị chết do sương muối. Anh Dê cho biết: “Mấy ngày qua, do rét đậm cộng thêm sương muối dày đặc, nên nương thảo quả nhà mình và các hộ khác chết sạch, gia đình mình sẽ bị thất thu từ nguồn thảo quả trong những năm tới, bà con cũng không biết làm sao được trước thiên tai khắc nghiệt như vậy”.

Rét và sương muối làm diện tích thảo quả của đồng bào bị thiệt hại.


Ngoài vật nuôi, cây thảo quả, thì diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu Tiếng cao su Lai Châu cho biết: Một loạt cây cao su đang phát triển ngọn và chồi non gặp lạnh dưới 10oC nên có biểu hiện đọt non bị cháy vành lá, co lá lại như bệnh héo đen đầu lá. Hiện công ty chưa tính được thiệt hại, chờ nắng ấm lên, cơ của cây giãn ra mới đánh giá được cụ thể cây nào bị chết hay phát triển kém.


“Từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều đợt rét đậm, rét hại tăng cường, để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vật nuôi và cây trồng, mỗi gia đình cần ý thức hơn nữa việc giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng để tránh không bị thiệt hại”, ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu khuyến cáo.


Quang Duy - Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN