Cần lắm những cây cầu “nối bờ vui”

Pác Nặm là huyện xa nhất của tỉnh Bắc Kạn, cũng là một trong hai huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, nằm trong số 62 huyện nghèo của cả nước. Bằng Thành lại là xã xa nhất, khó khăn nhất của Pác Nặm, mà khó nhất là thiếu những cây cầu giúp người dân an toàn khi qua sông, suối.

Cầu phao qua ngầm Nà Nghe thuộc địa phận xã Bộc Bố trên đường Bộc Bố - Bằng Thành đã bị trôi mất một phần, người dân muốn qua cầu phải lội một đoạn suối rất nguy hiểm. Ảnh: Nguyễn Trình


Ông Hà Việt Phương, Chủ tịch UBND xã Bằng Thành chia sẻ: Thời vụ trồng rừng đã vào những ngày cuối, gặp được tiết trời mưa, thuận lợi cho việc trồng rừng nhưng cũng làm nước dâng cao ở những con suối khiến đường vào xã bị chia cắt, mọi hoạt động giao thương, đi lại của người dân đều trở nên khó khăn, nguy hiểm và tốn kém. Để đến được trung tâm xã Bằng Thành và đi các thôn, bản của xã phải qua 3 ngầm. Mùa khô, khi ít mưa thì xe ô tô còn qua ngầm được, nhưng chỉ cần một trận mưa vừa là nước đã dâng cao.

Một số hộ dân đã bỏ tiền làm cầu treo tạm để cho người đi bộ và các phương tiện nhỏ đi qua, nhưng vì là cầu tạm nên chỉ cần nước dâng lên đến cầu là cầu cũng trôi luôn… Bằng Thành năm nay có kế hoạch trồng 349 ha rừng, nhưng những ngày qua liên tục có nước lũ về, đường vào xã bị ngăn cách bởi 3 ngầm nước xiết, cây con bị ủ trên xe mấy ngày, người dân và chính quyền xã đang rất lo ngại chất lượng cây sẽ bị ảnh hưởng.

Từ Bộc Bố, trung tâm huyện Pác Nặm, muốn vào Bằng Thành, theo gợi ý của Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Pác Nặm chỉ có đi xe máy hoặc đi bộ. Chỉ cách trung tâm huyện vài phút đi xe máy, chúng tôi đã phải dừng lại ở ngầm nước lớn đầu tiên (người dân địa phương thường gọi là ngầm Na Nghe). Tại đây có một chiếc cầu tre bắc cách mặt nước khoảng nửa mét, rộng chừng một mét. Cây cầu mong manh, có đoạn nước ngập mấp mé khiến người yếu bóng vía không dám bước lên. Phía dưới nước chảy rất xiết. Người và xe máy qua cầu luôn trong tình trạng nguy hiểm cận kề. Ở ngầm này còn có đường đi vòng, xa hơn khoảng 1 km. Hai ngầm tiếp theo là ngầm Khuổi Nùng và ngầm Pác Nặm, đây chính là hai ngầm sâu và khó khăn nhất do không có đường đi vòng. Nước ở hai con suối này cũng lớn hơn, chảy xiết hơn. Ở ba ngầm này người dân đều tự bỏ tiền làm cầu treo, thu phí, mỗi lần xe máy đi qua là 5.000 đồng.

Anh Nông Văn Phong, cán bộ tư pháp xã Bằng Thành, được luân chuyển công tác từ xã Bộc Bố vào Bằng Thành đã 3 năm nay. Mùa khô lội suối, còn mùa mưa thì cách duy nhất là anh phải vượt những cây cầu tre như thế. Vì vậy, mỗi ngày anh Phong phải trả 30.000 đồng tiền cầu và theo anh Phong tính, số tiền chi phí đó còn tốn kém hơn tiền xăng xe.

Mấy ngày qua có mưa, nước to, có 3 cầu thì 2 cầu trôi mất một phần, người dân đành khuân đá xếp tạm xuống lòng sông, chờ nước rút bớt mới qua được. Khổ nhất là người lao động nông nghiệp, làm ra được sản phẩm, nhưng đường sá khó khăn, chi phí cho vận chuyển rất tốn kém nên phải bán rẻ. Ông Sầm Văn Chinh, thôn Lủng Mít, xã Bằng Thành buồn rầu: Nhà được nhiều ngô, lúa, nhưng đường đi lại khó khăn nên khó bán. Nếu chở một yến gạo ra chợ huyện bán, tính ra tiền cầu hết nhiều quá. Đành bán tại nhà ít tiền hơn.

Theo ông Dương Văn Thuyết, Trưởng Ban QLDA huyện Pác Nặm: Dự án Hệ thống vượt dòng đường Bộc Bố - Bằng Thành đã được lập. UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình với tổng mức đầu tư là hơn 79 tỷ đồng, giao cho huyện làm chủ đầu tư từ tháng 11/2010. Tuy nhiên, đến thời điểm này huyện vẫn chưa thể mời thầu được vì không có vốn. Bí thư Đảng ủy xã Bằng Thành Lục Tiến Trung cho biết thêm: “Qua các kỳ họp HĐND và tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã có kiến nghị nhưng vẫn chưa được đầu tư xây cầu. Hiện nay vật dụng, nhu yếu phẩm tại xã vào mùa mưa đều tăng giá 10-15% làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Có được những cây cầu kiên cố là mơ ước từ lâu của 3.750 người dân xã Bằng Thành, là ước mong của con trẻ khi cắp sách đến trường không phải lội suối, vượt ngầm”.

NT-HT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN