Bác sĩ dân tộc Tày tận tụy với nghề

Bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Hoàng Văn Măng, người dân tộc Tày, được nhiều người biết đến bởi chuyên môn cao và lòng tận tụy với nghề. 25 năm công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, bác sỹ Hoàng Văn Măng đã đạt được nhiều thành tích; trong đó nổi bật là các nghiên cứu và áp dụng chữa trị thành công bằng phương pháp gây tắc động mạch không qua phẫu thuật với các bệnh nhân u gan, u xơ tử cung, nút động mạch phế quản, nút động mạch lách... xứng đáng là bác sỹ đầu ngành của tỉnh Lạng Sơn.


Bác sĩ Măng (giữa) chụp ảnh cùng đồng nghiệp và bệnh nhân sắp ra viện. Ảnh: baolangson.vn


Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Trường Đại học Y Thái Nguyên), bác sĩ Măng về làm việc tại khoa X quang - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Thời điểm đó, bệnh viện còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như nhân lực, bác sỹ trẻ người Tày đã không ngại khó khăn, tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và nghiên cứu các đề tài khoa học. Bác sỹ Hoàng Văn Măng đã có nhiều đề tài nghiên cứu được đánh giá cao.


Chỉ sau 5 năm kể từ ngày về công tác tại bệnh viện, anh đã được bổ nhiệm là Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Đây là một vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn của bác sỹ trẻ này. Bác sỹ Hoàng Văn Măng tâm sự: Những ngày đó ai cũng nghèo, bệnh nhân ở một tỉnh miền núi như Lạng Sơn đa phần là bà con dân tộc lại càng khổ hơn. Nhiều ca khó, phải chuyển xuống Hà Nội, bệnh nhân lại xin về vì sợ tốn tiền thuốc. Tôi luôn đau đáu phải tiếp tục tự học, tự đọc, tự tra cứu tài liệu để làm sao có thể chữa trị được cho bệnh nhân ngay tại tỉnh và đây cũng là mong muốn chung của cán bộ, bác sĩ trong bệnh viện".


Được sự quan tâm đầu tư thiết bị, đến năm 200, bác sỹ Măng đã bảo vệ thành công đề tài "Nghiên cứu giá trị của siêu âm doppler mầu trong chẩn đoán thông động mạch cảnh – X quang hang" là đề tài khoa học rất thực tiễn và có nội dung thuộc loại mới nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ. Tiếp đó, đề tài "Ứng dụng phương pháp chụp mạch qua da bằng kỹ thuật Seldinger qua màn X quang tăng sáng truyền hình" năm 2004 của bác sỹ Măng cũng được đánh giá là bước đột phá trong việc áp dụng các kỹ thuật mới tại bệnh viện tuyến tỉnh.


Năm 2008, bác sĩ Măng bắt tay vào nghiên cứu phương pháp nút mạch thay thế cho mổ đối với các khối u. Đối với các bệnh nhân ung thư gan, khi khối u còn nhỏ hoặc vỡ chảy máu, phương pháp nút mạch giúp bệnh nhân có cơ hội cải thiện và kéo dài cuộc sống. Phương pháp này còn đặc biệt hiệu quả và an toàn đối với các trường hợp bị u xơ tử cung, giúp cho bệnh nhân nữ loại bỏ được khối u mà vẫn giữ được khả năng sinh con so với cách điều trị cũ là mổ bóc nhân xơ hoặc cắt tử cung. Ngày 7/5/2008, bác sỹ Măng đã trực tiếp làm thủ thuật nút mạch u xơ thành công lần đầu tiên cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Bệnh nhân 28 tuổi ở tỉnh Sơn La, chưa có con nên có nguyện vọng được áp dụng phương pháp mới để bảo tồn tử cung; sau 3 ngày nút mạch, khối u tự tụt ra khỏi cơ thể, không chảy máu và 9 ngày sau tử cung đã hoàn toàn bình thường. Trước sự thành công của ca đầu tiên, bác sĩ Măng thêm tự tin để tiếp tục thực hiện hàng trăm ca nút mạch tiếp theo.



Bác sỹ Măng còn được Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội thường xuyên mời về triển khai kỹ thuật nút mạch u xơ tử cung này. Với thành tích đạt được, bác sỹ Măng đã được nhận nhiều bằng khen cấp tỉnh, được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII và được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Mới đây nhất, bác sỹ Hoàng Văn Măng đã được chọn tham gia báo cáo:“Kinh nghiệm chụp mạch máu chuẩn đoán và điều trị can thiệp tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn” tại hội nghị điện quang Đông Nam Á.



Hoàng Nam
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN