Ngày 16/12, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo tham vấn về tự chủ bệnh viện.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, sau gần 8 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, ngày 25/4/2006, quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, đã có 76 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã được giao tự chủ theo Nghị định 43. Trong đó, chỉ có 14,7% số đơn vị tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên; 80% tự đảm bảo một phần chi phí và 6,7% do ngân sách đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên.
Sau thời gian triển khai Nghị định 43, bộ mặt nhiều bệnh viện công lập đã có thay đổi đáng kể. Nhờ có quyền tự chủ, các bệnh viện có điều kiện thực hiện cơ cấu lại bộ máy, định hướng phát triển nguồn nhân lực và nhất là huy động vốn, mua sắm trang thiết bị hiện đại; có cơ chế đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho người dân được khám chữa bệnh bằng kỹ thuật cao; đồng thời thu nhập của cán bộ y tế cũng tăng lên, tạo tâm lý ổn định và hài lòng đối với cán bộ y tế... Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 43 cũng đặt ra một số hạn chế cần khắc phục như: Các bệnh viện thực hiện tự chủ đã "hút" người bệnh ra khỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích người bệnh bỏ qua việc điều trị ở tuyến dưới; đồng thời cũng có hiện tượng tuy không phổ biến là lạm dụng chỉ định sử dụng xét nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật cao gây tốn kém cho người bệnh...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề phát triển bệnh viện tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và kinh nghiệm của một số bệnh viện của Trung Quốc, Nhật Bản.
Thu Phương