Xây nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp 'tiện lợi đôi đường'

Nhà ở cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất là mong ước của nhiều người. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội về vấn đề này.

Hiện công nhân ở các khu công nghiệp đang rất thiếu chỗ ở, nhà ở. Có ý kiến cho rằng, cần bố trí quỹ đất phát triển nhà cho công nhân thuê ngay trong khu công nghiệp, ông có bình luận gì về vấn đề này? 

Thứ nhất, nói về thực trạng hiện nay thì có một thực tế là lực lượng công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn về nhà ở. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa.

Theo khảo sát mới nhất của Viện Công nhân Công đoàn ở 16 tỉnh, thành phố, thì 90% người lao động là công nhân công đoàn trong các KCN, KCX phải đi thuê nhà trọ; trong số đó có gần 50% công nhân công đoàn có nguyện vọng, mong muốn có chỗ ở ổn định, lâu dài để an cư lạc nghiệp tại KCN, KCX. 

Để giải quyết tình trạng này trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách giải quyết nguyện vọng của công nhân. Theo tìm hiểu của tôi, trong các quy định của pháp luật, gần đây nhất là năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 35 quy định về KCN, KCX, trong đó có yêu cầu quy định phải dành 2% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở, nơi lưu trú cho công nhân.

Hiện nay trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã sửa đổi rất nhiều các quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở hiện hành. Ngoài ra, còn bổ sung thêm quy định nhà lưu trú cho công nhân. Hy vọng những chủ trương, chính sách này sớm được thể chế hóa và thực hiện đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của công nhân.

Luật Đất đai (sửa đổi) đang dự thảo có nội dung đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà đầu tư và người quản lý, phải đảm bảo đồng thuận việc thu hồi đất và có sự tách bạch rõ ràng từ mục đích sử dụng đất để làm nhà ở cho công nhân thuê… Quan điểm của ông như thế nào về việc này?

Trước hết, theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý và Hiến pháp cũng quy định chỉ được thu hồi đất trong những trường hợp nhất định; trong đó có những trường hợp là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. 

Trong những trường hợp khi đầu tư xây dựng những nhà ở xã hội này chúng ta cần phải xác định rõ mục đích việc thu hồi đất (nếu có) phải trực tiếp phục vụ cho lợi ích công cộng. Đó là việc đảm bảo về chỗ ăn, chỗ ở cho công nhân lao động.

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta cần phải có tiêu chí, xác định rõ trong quy định của Luật Đất đai. Trên cơ sở đó làm căn cứ cho các văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào được thu hồi đất để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ngoài Luật Đất đai, lần này Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua hai Luật khác có liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Đó là Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; cần có sự tương thích các đạo luật này làm cơ sở pháp lý để chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Chú thích ảnh
Khu nhà ở công nhân của Công ty than Hòn Gai (Quảng Ninh). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Ông có đánh giá gì về nhận định: Thực tiễn cho thấy việc xây nhà lưu trú cho công nhân tại KCN mang lại nhiều lợi ích; giảm chi phí đi lại cho công nhân và doanh nghiệp; giảm ùn tắc giao thông; tiện lợi cho tổ chức sản xuất, nhất là khi có dịch bệnh, thiên tai…

Đúng như vậy. Như tôi đã trình bày từ đầu, nhu cầu để có một chỗ ở đối với công nhân lao động là rất lớn. Đó có thể là chỗ ở do người lao động sẽ mua, sở hữu hoặc chỗ ở đấy người ta ở tạm trong thời gian lao động. Không có gì lý tưởng hơn là chỗ ở gần chỗ làm việc để giảm được thời gian đi lại.

Nếu chỗ ở gần với nơi làm việc thì người lao động yên tâm công tác, gắn bó với KCN, KCX. Trên cơ sở đó, người lao động gắn bó với doanh nghiệp, chất lượng lao động năng suất cao hơn, đời sống người ta sẽ tốt hơn. Và đó cũng là mục đích cuối cùng của các chính sách cũng như quy định của Đảng, Nhà nước.  

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này và chúng ta cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là trong 3 Luật tôi vừa nêu, đó là: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở để chúng ta có nhiều cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Viết Tôn/Báo Tin tức (thực hiện)
Đã xây dựng gần 20.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Đã xây dựng gần 20.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì chiều 3/8, Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã cho biết, trong 7 tháng qua, cả nước đã khởi công xây dựng 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với tổng số khoảng 19.853 căn; trong đó, nhà ở xã hội gồm 7 dự án có quy mô 8.815 căn và 3 dự án nhà ở cho công nhân với quy mô 11.038 căn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN