Hội nghị là minh chứng cho quyết tâm của Hà Nội không chỉ tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19, mà còn đi đầu, gương mẫu và quyết tâm chiến thắng trên mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Hội nghị. Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu; các Đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là trên 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Trước đó, với tinh thần chủ động vừa phòng, chống dịch vừa sẵn sàng phục hồi kinh tế ngay khi dịch được khống chế, từ cách đây 3 tháng, ngay giữa tâm dịch COVID-19, Hà Nội đã bắt tay vào chuẩn bị cho hội nghị này. Kết quả cũng chính là điều được chờ đợi nhất.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu rõ, hội nghị là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.
Đánh giá cao ý nghĩa, quy mô của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là một dấu ấn của Thủ đô và cả nước kiểm soát tốt tình hình, làm tốt công tác phòng, chống COVID-19; không để đứt gãy nền kinh tế; vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; an sinh xã hội được đảm bảo.
Thủ tướng cho rằng, Hội nghị này của Thủ đô hay rộng hơn là Vùng Thủ đô đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước; một chính quyền sáng tạo, tiên phong; không ngừng phát triển. Hội nghị lần này với tinh thần chân thành, hợp tác hài hòa giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong một tầm nhìn dài hạn. Đây cũng chính là thông điệp quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam.
Bày tỏ niềm tin vào một Hà Nội "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" cho các nhà đầu tư, Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng vì thành công của Hội nghị lần này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào đường lối, chính sách phát triển của Việt Nam.
Nhắc đến vai trò tiên phong của Hà Nội, Thủ tướng cho rằng quan điểm “Hà Nội không vội được đâu” đã trở thành xưa cũ bởi Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn”, Thủ tướng nêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu "ganh đua" với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực như Băng Cốc, Jarkarta, Thượng Hải, Manila...
Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, Thủ tướng chỉ rõ, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.
Hà Nội cần có chất lượng thể chế tốt, tranh thủ các cơ chế đặc thù hiện có; đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần tận dụng thời cơ, chủ động hơn nữa, tìm những mô hình phát triển mới, xâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Tận dụng tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế của Việt Nam và Vùng Thủ đô. Do đó, cần liên kết, hợp tác với các địa phương, coi các địa phương là đối tác để cùng phát triển bởi mỗi địa phương trong Vùng Thủ đô đều có lợi thế so sánh riêng để kết hợp nguồn lực, cùng phát triển. Thủ tướng đề nghị Hà Nội cần làm tốt công tác quy hoạch không gian kinh tế sao cho hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong Vùng.
Hà Nội cần có cổ đông chiến lược, các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi; đặc biệt là các doanh nghiệp khoa học công nghệ, hội tụ nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Hà Nội cũng cần kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh; hiệu lực, hiệu quả về thể chế; hun đúc bản sắc về 1 Thủ đô đáng sống, một Hà Nội xanh, sạch, đẹp.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội khắc phục một số hạn chế như: Chất lượng tăng trưởng chưa cao, môi trường đầu tư được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế; tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước chưa hiệu quả; tình trạng di dân quá nhanh, gây quá tải về cơ sở hạ tầng; vấn đề an toàn thực phẩm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.
Nhắc đến cơ hội của thành phố, Thủ tướng đề nghị cần “biến nguy thành cơ”; khắc phục hậu quả nghiêm trọng, nặng nề của COVID-19. Hà Nội cần nuôi dưỡng các giá trị tinh thần, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, được khẳng định qua môi trường khuyến khích các ý tưởng mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo, số lượng phát minh sáng chế, hun đúc tinh thần khởi nghiệp hấp dẫn và thực sự Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng này.
Thu nhập bình quân đầu người Hà Nội hiện đạt gần 5.500 USD/năm và nếu duy trì được tăng trưởng bình quân 9%/năm thì chỉ trong vòng 10 năm tới, đến năm 2030, Hà Nội sẽ chạm ngưỡng nền kinh tế có thu nhập cao. Mục tiêu tối thiểu Hà Nội cần đặt ra là phải cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu 2045 của cả nước ít nhất 10 năm, thậm chí 15 năm, Thủ tướng nói.
* Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã công bố danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư.
Nhân dịp này, lãnh đạo thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào lĩnh vực: Nhà ở - đô thị; Du lịch - dịch vụ; Cụm công nghiệp; Trụ sở văn phòng; Văn hóa - xã hội; Tài chính - Ngân hàng... Đồng thời, lãnh đạo thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó có 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước, 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, Tập đoàn FLC và Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đối với 3 dự án trọng điểm trong lĩnh vực bất động sản, với quy mô tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, bao gồm: Quần thể du lịch sinh thái, công viên vui chơi chủ đề và thể thao giải trí tại huyện Thanh Trì quy mô hơn 1.100 ha; Khu giáo dục và y tế tập trung tại huyện Đan Phượng quy mô gần 350 ha; Khu công viên chủ đề vui chơi giải trí, thể thao thuộc địa bàn xã Song Phương, xã An Thượng, huyện Hoài Đức quy mô hơn 214 ha.
Đồng thời, Hãng hàng không Bamboo Airways (công ty thành viên của Tập đoàn FLC) ký biên bản ghi nhớ đồng hành cùng Hà Nội trong việc tổ chức các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch, góp phần nhanh chóng hồi phục ngành du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19.