Buổi sáng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền là người mở đầu phiên chất vấn. Bộ trưởng đã trả lời các chất vấn liên quan đến các nhóm vấn đề: Đào tạo nghề, đặc biệt là trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc và việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Cải tiến chương trình dạy nghề
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Nguyễn Thanh Thủy về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, việc làm cho lao động khu vực nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, thời gian qua, Bộ LĐTB&XH cùng các bộ, ngành liên quan đã triển khai nhiều chương trình, đề án dạy nghề, tạo việc làm đối với khu vực này.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong thời gian tới, cùng với việc cải tiến chương trình dạy và học nghề, tạo việc làm theo hướng xây dựng thị trường lao động gắn với nhu cầu của xã hội, Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn thanh niên trong dạy nghề và tạo việc làm khu vực nông thôn.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Danh Út về nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ qua đào tạo nghề hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chưa đạt 10%, trong khi cả nước đạt 43%, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tình trạng này là do kinh phí đào tạo nghề của các địa phương còn hạn chế. Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận đây là trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH. Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh cách thức đào tạo cho phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp trung tâm dạy nghề tại 62 huyện nghèo trong cả nước.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Ngô Thị Minh về bất cập trong công tác dạy nghề thuộc quyền quản lý nhà nước của hai Bộ LĐTB&XH và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang đào tạo trung cấp nghề chuyên nghiệp, Bộ LĐTB&XH quản lý về dạy nghề kỹ thuật, trong đó có trung cấp, sơ cấp, cao đẳng nghề, dạy nghề ngắn hạn dưới 1 năm và 3 tháng. Bộ trưởng cho rằng nên sáp nhập và thống nhất cho một bộ quản lý công tác dạy nghề, nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.
Hạn chế lao động phổ thông nước ngoài tại Việt Nam
Trả lời câu hỏi về các biện pháp quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam và xử lý lao động nước ngoài tại Việt Nam vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Nghị định 34/2008/NĐ-CP và 46/2011/NĐ-CP nêu rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH là chỉ đạo các sở LĐTB&XH kiểm tra, giám sát và quản lý đối với các tổ chức sử dụng lao động nước ngoài; cấp phép cho lao động nước ngoài tại địa phương. Quy định trường hợp lao động nước ngoài làm việc dưới thời hạn 3 tháng không phải cấp phép lao động (theo Nghị định 34/2008/NĐ-CP) cần phải xem xét lại, vì ngành lao động có quy định yêu cầu những đơn vị sử dụng lao động nước ngoài phải thông báo với Sở LĐTB&XH trước 7 ngày, tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện chưa nghiêm.
Theo Bộ trưởng, trong Bộ luật Lao động có hiệu lực vào tháng 5/2013, Bộ LĐTB&XH đã chuẩn bị những văn bản hướng dẫn thực hiện luật và sẽ lưu ý kỹ vấn đề này. Bộ LĐTB&XH đang cố gắng thực hiện các biện pháp hạn chế tối đa việc sử dụng lao động phổ thông nước ngoài tại Việt Nam. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng đề nghị cần có hình thức xử lý đối với những tổ chức sử dụng người lao động vi phạm pháp luật Việt Nam.
Bảo đảm quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp bỏ trốn
Xung quanh việc quản lý đối với chủ lao động là người nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Quy định về quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp phá sản đã có, nhưng đối với trường hợp doanh nghiệp bỏ trốn hiện chưa có quy định cụ thể nào. Bộ LĐTB&XH đã cùng Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ một số chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Giải thích thêm về chính sách đối với lao động trong trường hợp chủ lao động là người nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng: Trước hết phải áp dụng các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, nghĩa là thực hiện và mở rộng bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời áp dụng quy định của Luật Phá sản. Trường hợp chủ bỏ trốn, doanh nghiệp đó rơi vào tình trạng phá sản, phải thanh lý tài sản của doanh nghiệp, việc ưu tiên giải quyết đầu tiên là quyền lợi của người lao động. Trong khi chưa thanh lý được thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan quản lý chủ doanh nghiệp nước ngoài đó để tạm ứng về ngân sách.
Nợ xấu của Việt Nam chưa ở mức “nguy kịch”
Chiều 21/8, UBTVQH đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình về vấn đề xử lý nợ xấu và các giải pháp cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong mối tương quan với an toàn hệ thống và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
|
Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) về độ an toàn của tỷ lệ nợ xấu, Thống đốc cho biết theo kết quả giám sát của NHNN, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 202.099 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Với tỷ lệ nợ xấu như hiện nay, theo kinh nghiệm nhiều năm, nợ xấu không đến mức độ hốt hoảng, nguy kịch. Thực tế đến nay, các tổ chức tín dụng trích lập được 70.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, và 84% nợ xấu đã có tài sản đảm bảo giá trị khoảng 135% giá trị khoản nợ. Do đó, nếu có cơ chế hợp lý có thể xử lý được nợ xấu này với chi phí thấp nhất.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, tình trạng nợ xấu là do các nhóm nguyên nhân: Chính sách kinh tế vĩ mô; các chính sách, cơ chế của NHNN; hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN; trách nhiệm của các tổ chức tín dụng; trách nhiệm của bản thân các doanh nghiệp vay vốn… Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, thời gian qua, cơ chế chính sách của NHNN còn chưa kịp đổi mới, chưa theo kịp xu hướng quốc tế; hiệu quả hiệu lực của công tác thanh tra, giám sát của NHNN cũng chưa cao. Ngoài ra, việc cho phép mở nhiều tổ chức tín dụng đã dẫn đến hoạt động quản lý kém hiệu quả; tình hình tài chính doanh nghiệp yếu kém, việc sử dụng đồng vốn không đúng mục đích cũng góp phần đưa nợ xấu tăng cao.
Hoàn thiện chính sách, tăng cường thanh, kiểm tra để xử lý nợ xấu
Đưa ra những giải pháp giải quyết nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã và đang tích cực thay đổi căn bản hệ thống văn bản quan trọng của NHNN đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng Việt Nam. Các văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 8 và 9 này và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2013, đặc biệt là các văn bản liên quan đến hoạt động tín dụng. NHNN cũng đã sắp xếp lại đội ngũ, hệ thống thanh tra và bước đầu qua thanh tra 9 ngân hàng vừa qua đã cho thấy hiệu quả và khẳng định được vị thế của thanh tra NHNN.
NHNN cũng sẽ phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy nhanh chi tiêu công giúp giải phóng hàng tồn kho lớn; nâng cao hiệu quả giám sát các tổ chức tín dụng, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro của mình, để có nguồn vốn đáng kể giải quyết nợ xấu cho bản thân tổ chức tín dụng; phối hợp với chính quyền địa phương, tòa án các cấp để phát mãi các tài sản thế chấp trong hệ thống ngân hàng để tạo ra nguồn xử lý nợ xấu. NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng có tài chính lành mạnh tiến hành mua bán lại nợ của các tổ chức tín dụng khác. Khuyến khích các tổ chức tín dụng đàm phán với các doanh nghiệp để biến nợ thành cổ phần, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thống đốc khẳng định, mục tiêu cao nhất của đất nước là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả, có chiều sâu với trọng tâm là các ngân hàng thương mại. Việc giảm nợ xấu ngân hàng đến ngưỡng an toàn (từ 3 - 5%) là mục tiêu hàng đầu của NHNN. Hiện nay, toàn hệ thống ngân hàng cả nước đang nỗ lực giảm nợ xấu, tuy nhiên việc này cũng phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế và cố gắng trong nhiệm kỳ này đưa nợ xấu về mức an toàn.
Buổi chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã được Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp, thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. * Theo dõi phiên họp, ông Trần Xuân Vinh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhận xét: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 21/8 đã cơ bản đi vào trực tiếp, trọng tâm. "Tư lệnh” ngành đã trả lời sát các câu hỏi mà đại biểu Quốc hội nêu ra. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến sự hợp tác, tương tác giữa các bộ, ngành chưa được làm rõ. Hiện nay, các vùng núi cao, nông thôn có nhiều chương trình, dự án đào tạo nghề. Tuy nhiên, việc đầu tư, đào tạo vẫn còn dàn trải, chồng chéo. Chính vì vậy, cần tập trung đào tạo theo một vài chương trình nhất định và có chiều sâu, tránh lãng phí tiền của của Nhà nước và đào tạo không hiệu quả. * Ông Dương Văn Phước (thôn Bình Tây, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho rằng: đại biểu chất vấn và bộ trưởng trả lời đi thẳng vào vấn đề, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc của dư luận, đáp ứng một phần nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra để giải quyết những vấn đề như: nguồn vốn đào tạo dàn trải, công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, chưa hiệu quả. Trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong dạy nghề chưa rõ ràng. * Theo cử tri Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Long Phụng, Nghệ An, trên địa bàn Nghệ An có nhiều doanh nghiệp làm nhiệm vụ tuyển dụng, đưa lao động đi nước ngoài. Nghệ An cũng là một trong những địa phương có nhiều người đi xuất khẩu lao động. Trước áp lực ở địa phương thiếu việc làm, hiện nay nhu cầu đi xuất khẩu lao động của con em nông dân trong tỉnh đang rất lớn. Bất cập hiện nay là người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động còn hạn chế trong việc nắm bắt kiến thức, thông tin thị trường xuất khẩu, định hướng ngành nghề trước lúc đi và thiếu vốn ban đầu để đi; trong khi, các doanh nghiệp làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động khó tiếp cận nguồn vốn bảo trợ của Nhà nước và vốn vay của ngân hàng. * Bày tỏ sự hài lòng về phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, bà Nguyễn Thị Bích Trâm, cán bộ Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bảo An (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: Thống đốc đã trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, không né tránh những vấn đề rất nóng liên quan đến ngành ngân hàng. Tuy nhiên, bà Bích Trâm vẫn băn khoăn về phần trả lời "thừa-thiếu" ngân hàng của Thống đốc: Với một quốc gia có đến 94 triệu dân mà tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chưa đến 100 tỷ đô la Mỹ thì số lượng ngân hàng thương mại cổ phần mọc lên quá nhiều có hợp lý? Theo bà Trâm: "Ngân hàng đã, đang trở thành nhà buôn tiền, chứ không phải là kênh cho vay với doanh nghiệp;... Tôi mong rằng, Thống đốc và Quốc hội cần sớm làm rõ vì sao để hệ thống ngân hàng thương mại nhiều như vậy, trong khi sức cạnh tranh thì yếu? Bao giờ các doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất cho vay 12% mà không bị vấn nạn chạy cửa sau?"- bà Trâm bày tỏ. * Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Đà Nẵng cho rằng: Phần trả lời của Thống đốc NHNN khá rõ ràng, rành mạch, nhưng nặng về lý giải nhiều hơn, còn cụ thể nhiều vấn đề nóng bỏng hiện nay thì Thống đốc Ngân hàng trả lời rất chung chung. Cụ thể như việc mới đây nhất là hạ lãi suất và mở rộng phạm vi cho vay đang là những động thái mới nhất của các ngân hàng nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất như hiện nay. Bởi ngân hàng vẫn cương quyết nói không với những doanh nghiệp khó có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã phải chịu áp lực về lãi suất cao kéo dài ở các khoản vay cũ, khó tiếp cận khoản vay mới, nợ xấu và nợ quá hạn khiến các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ và NHNN cần có những giải pháp quyết liệt để lãi suất cho vay của cả hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục giảm xuống nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm này. Nhóm PV |
Phúc Hằng - Quang Vũ