"Quy hoạch phát triển nhân lực là một lợi thế để tạo nên sức cạnh tranh cho từng địa phương và đất nước" là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 của các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ, được tổ chức tại Thanh Hóa ngày 23/12.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Để khắc phục những khó khăn về nguồn nhân lực, trong thời gian tới, các địa phương cần nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Giải quyết khó khăn này, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ giữa 4 bên: Người sử dụng lao động, người học, nhà trường và Nhà nước. Trong đó yêu cầu mỗi bên phải tập trung giải quyết từng vấn đề cụ thể.
Đơn cử như người sử dụng lao động cần có "đơn đặt hàng" nhu cầu lao động đối với địa phương và các cơ sở đào tạo nghề. Nhà trường phải thực hiện phương châm đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị sử dụng lao động. Nhà nước là nơi tiếp nhận nhu cầu đào tạo, thực hiện quy hoạch mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo, tạo mối liên kết giữa nhà trường, người học và doanh nghiệp...
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đặc biệt chú ý đến những hạn chế về nhân lực kéo dài ở địa phương mình để có giải pháp tháo gỡ; cần xác định rõ ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực của địa phương.
Cần dự báo cung-cầu lao động cụ thể để sắp xếp hợp lý, cân đối cung-cầu lao động trên địa bàn, trong đó cần cân đối về chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo ngay tại địa phương. Về mặt quản lý nhà nước, mỗi tỉnh cần có quy hoạch phát triển nhân lực cụ thể trên cơ sở quy hoạch của Chính phủ.
Cần có bộ phận chuyên trách để theo dõi quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo cán bộ quản lý cơ sở và nhu cầu xuất khẩu lao động. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 xong trước tháng 1/2011.
Các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực cho vùng Bắc Trung bộ, trong đó chú ý cơ cấu kinh tế vùng và phải phù hợp với từng địa phương. Rà soát lại các vùng trên cả nước, kiểm tra các báo cáo quy hoạch phát triển nhân lực của các tỉnh để tổng hợp báo cáo với Chính phủ…
Chiều 23/12, làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế xã hội trong năm 2010 và yêu cầu Thanh Hóa cần nỗ lực tìm ra các biện pháp cụ thể hơn để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, triển khai rộng rãi việc thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để giải quyết nhanh nhất yêu cầu của các nhà đầu tư. Tỉnh cần tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển.
UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ có cơ chế về xây dựng và hỗ trợ vốn để Thanh Hóa đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện vận động viên khu vực Bắc miền Trung; thành lập trường Đại học Y Thanh Hóa trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Y Thanh Hóa; thành lập trường Đại học Văn hóa - Du lịch trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh; xây dựng Trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm; Trung tâm chăm sóc, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng phục vụ các đối tượng chính sách, người có công của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ... Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Thanh Hóa cần khẩn trương làm việc với các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về các vấn đề này.
Về việc Thanh Hóa đã hoàn thành hồ sơ khoa học Thành nhà Hồ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa phải theo dõi thật sát lộ trình, chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc vận động các nước ủng hộ đề cử Di sản văn hóa Thành nhà Hồ tại Hội nghị lần thứ 35 của Ủy ban Di sản văn hóa Thế giới tổ chức tại Cộng hòa Trung Phi vào tháng 6/2011.
Mai Hương - Hoa Mai