Phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của người dân ở các khu dân cư 

Đoàn kết là yếu tố cơ bản để tạo lên sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 26/3/1986, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm - ngày Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế Đông dương - Hội Phản đế đồng minh (18/11/1930), làm ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. 

Từ đó đến nay, ngày 18/11 hàng năm được các cấp Mặt trận lấy làm ngày kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống, biểu dương sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây cũng là dịp biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Với khu dân cư, ngày 18/11 hàng năm còn được gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tặng quà cho các đại biểu người có uy tín tỉnh Sóc Trăng thăm Thủ đô Hà Nội tháng 8/2018. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2018), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về thành tựu của Mặt trận trong vai trò đoàn kết, tập hợp sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc; ý nghĩa, vai trò của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

88 năm qua, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện vai trò đoàn kết, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào, thưa Phó Chủ tịch?

Từ khi mới thành lập, Đảng ta đã có chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất để tập hợp các tầng lớp, các giai tầng xã hội thành một lực lượng cách mạng hùng hậu để thực hiện các công cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo. Chính vì vậy, ngày 18/11/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế Đông dương - Hội Phản đế đồng minh và sau này đổi tên thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Suốt 88 năm trưởng thành, với sự rèn luyện của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, đó là đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, các giai tầng trong xã hội để thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. 

Với những hình thức, tên gọi khác nhau như: Mặt trận Thống nhất phản đế Đông dương - Hội Phản đế đồng minh, Phản đế liên minh, Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế (10/1936), Mặt trận dân chủ Đông Dương (6/1938); Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939)... rồi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 10/1955) ở miền Bắc và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) tại miền Nam để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước.

Cụ thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thi đua lao động sản xuất với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", bảo đảm hậu phương vững chắc, chi viện cho miền Nam; ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với vai trò đoàn kết, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, yêu hòa bình, đấu tranh giành độc lập dân tộc... đã tập hợp những người yêu nước để thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ 31/1 đến 4/2/1977 tại TP Hồ Chí Minh đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam - Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như tên gọi ngày nay. Ở mỗi một giai đoạn, vai trò đoàn kết, tập hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các tầng lớp nhân dân đểu thể hiện rất rõ ràng.

Cuộc vận động "Xây dựng nếp sống mới" (phát động năm 1980), đến Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" (năm 1995), Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư'' (năm 2008) và nay là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" là những minh chứng thiết thực, biểu hiện sinh động cho mọi phong trào thi đua ái quốc trong thời kỳ mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Tất cả các cuộc vận động đó dã góp phần khích lệ, tập hợp, tạo thành điểm tương đồng để tất cả người dân Việt Nam không phân biệt thành phần, tôn giáo, giai cấp... tham gia xây dựng cuộc sống tốt đẹp, đóng góp vào những thành tựu to lớn để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Từ năm 2003, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hơn 10 vạn khu dân cư trong toàn quốc đã đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để ôn lại truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổng kết các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đây cũng là dịp biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phó Chủ tịch có thể cho biết cảm nhận khi được dự Ngày hội Đại đoàn kết cùng các bà con ở thôn xóm, khu dân cư?

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương cũng như những người làm công tác Mặt trận đều rất phấn chấn với không khí trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ năm 2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra chủ trương tổ chức các hoạt động ở các khu dân cư để kỷ niệm ngày truyền thống vào ngày 18/11 hàng năm, với mục tiêu: tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các thời kỳ; tạo sinh hoạt vui tươi để thắt chặt tình đoàn kết các khu dân cư.

Thông qua việc tổ chức hàng năm đã thu hút được nhiều người dân tham gia các hoạt động trong Ngày hội; nhiều người làm ăn xa quê khi nghe ở địa phương, khu dân cư của mình tổ chức các hoạt động trong ngày 18/11 cũng sắp xếp công việc để tham dự ngày vui của cộng đồng, thôn xóm. Đây là lợi thế để Mặt trận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này. 

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề nghị tiếp tục nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng hướng dẫn các khu dân cư nội dung sinh hoạt để các hoạt động thiết thực hơn, phát huy được quyền làm chủ của người dân; kêu gọi những người ăn ở xa quê về đóng góp xây dựng quê hương.

Chính vì vậy, tham gia Ngày hội Đại đoàn kết hiện nay, các đại biểu được chứng kiến những sinh hoạt của các khu dân cư trong cả nước, đánh giá lại các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước để thấy được sự phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo của người dân ở các khu dân cư trong việc xây dựng quê hương, cộng đồng; tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.

Những người làm công tác Mặt trận rất xúc động, vui mừng, phấn khởi vì khu dân cư, tình làng nghĩa xóm được tăng cường hơn thông qua các hoạt động khơi dậy truyền thống quê hương; xây dựng nông thôn mới; giao lưu, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc; thăm hỏi người cao tuổi, gia đình chính sách; hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Các hoạt động được bà con tổ chức, triển khai với tinh thần đoàn kết, sự đùm bọc, sẻ chia sâu sắc; qua đó, thấy được những kết quả, nỗ lực của cộng đồng các khu dân cư.

Trong những ngày qua, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về chung vui tại Ngày hội Đại đoàn kết đều bày tỏ mong muốn mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, phấn đấu thực hiện các kế hoạch kinh tế - xã hội tại địa phương, đóng góp vào thành tích chung của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo Phó Chủ tịch, việc đoàn kết ở các làng, xóm, khu dân cư có ý nghĩa quan trọng như thế nào? 

Đoàn kết là yếu tố cơ bản để tạo lên sức mạnh thực hiện các nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu khu dân cư đoàn kết, người dân sẽ đồng lòng, cùng nhau thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ do tổ chức, đoàn thể khởi xướng, thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. 

Về mặt kinh tế, đoàn kết mang lại sức mạnh để nhân dân có thể hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", nếu làm ăn riêng lẻ, hiệu quả không cao nhưng khi nhiều người cùng hợp tác, hiệu quả sẽ được nâng lên rất nhiều. Phát triển kinh tế tạo ra hỗ trợ lẫn nhau giữa bà con, vì vậy đời sống nhân dân được nâng lên. 

Về mặt xã hội, tình làng nghĩa xóm luôn luôn được thắt chặt, "tắt lửa tối đèn có nhau". Khi đoàn kết, bà con chia sẻ được những khó khăn, giúp nhau vượt qua hoạn nạn hoặc khi có những niềm vui sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, khích lệ mọi người cùng hăng hái thi đua để nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn. 

Về mặt chính trị, an ninh trật tự, đoàn kết của nhân dân ở khu dân cư sẽ tạo ra cho mỗi người ý thức phải bảo vệ được sự bình yên của khu vực, góp phần ngăn chặn được tội phạm, tệ nạn xã hội, giúp cho bà con cảnh giác được trước những âm mưu chia rẽ Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Phát huy tinh thần tự quản, sáng tạo của nhân dân, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, toàn diện, có sức sống lâu bền. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng và đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước này có vai trò như thế nào trong xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa Phó Chủ tịch?

Có thể khẳng định các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có tác động quan trọng, góp phần vào thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Dù có nhiều tên gọi khác nhau, các cuộc vận động "Xây dựng nếp sống mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đều có điểm chung là tập hợp các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ, trong từng giai đoạn. 

Giai đoạn trước đây có mục tiêu: xây dựng cuộc sống của người dân, thể hiện sự đoàn kết, tương trợ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, tạo thành động lực to lớn để mọi người dân có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tham gia tích cực các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Giai đoạn hiện nay, với hai chương trình mục tiêu quốc gia lớn là xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp tất cả các giai tầng, các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương để hoàn thành các tiêu chí được đề ra.

Ở nông thôn, người dân sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới bằng các nhiệm vụ cụ thể như: đóng góp ngày công, xây dựng đời sống văn hóa... giúp bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Ở thành phố, nhân dân thực hiện các quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nếp sống văn minh. Tất cả cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đều được nhân dân hưởng ứng, đồng tình, bởi các nội dung phát động phù hợp, đáp ứng được sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội. 

Mặt trận Việt Nam đã xây dựng phong trào "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế" với mục tiêu: phát huy tinh thần sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có tính cần cù, sáng tạo, vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn Mặt trận chủ trì, các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia, vận động đoàn viên, hội viên, để phát huy tính sáng tạo cho địa phương, cơ quan, đơn vị thông qua các ý tưởng, phương thức mới, làm cho quá trình lao động, sản xuất được cải tiến, đổi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được xu hướng hội nhập hiện nay của đất nước. 

Phong trào "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế" đã được Mặt trận triển khai trong 2 năm qua và hiện đang tập hợp tất cả các ý tưởng sáng tạo. Phấn đấu hàng năm, Mặt trận sẽ tập hợp các ý tưởng sáng tạo mới; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích, phát triển các ý tưởng đó lên thành những sáng kiến, sáng tạo, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới.

Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị giao cho Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì thực hiện từ năm 2009 đến nay đã góp phần khơi dậy được lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam. Sau gần 10 năm thực hiện nhiệm vụ Đảng giao, người Việt Nam đã biết đến nhiều hơn những hàng hóa, sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Người tiêu dùng Việt Nam quan tâm mua bán, sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.Tỷ lệ mua, sử dụng lại hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất lên tới hơn 60%.

Điều đó cho thấy, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã quy tụ được tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế tự cường trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cuộc vận động này cũng nhằm khích lệ doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để vươn lên đứng vững trong cơ chế hội nhập kinh tế quốc tế.

Trân trọng cảm ơn bà!

Phúc Hằng/TTXVN (Thực hiện)
Vai trò vận động của Mặt trận làm nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc
Vai trò vận động của Mặt trận làm nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc

Tối 15/11, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2018), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại liên khu dân cư số 10, 11, 12 thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN