Cầu truyền hình 'Vang mãi khúc khải hoàn' – Lan tỏa tầm vóc và ý nghĩa lịch sử Đại thắng mùa xuân 1975

Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tối 27/4, Đài Truyền hình Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, thực hiện chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi khúc khải hoàn” tại 3 điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Trị.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Lương Cường đến dự chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chủ tịch nước Lương Cường tham dự tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tại điểm cầu Hà Nội; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự tại điểm cầu Quảng Trị. Cùng dự tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, nhân chứng lịch sử và đông đảo nhân dân.

Chương trình cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” có quy mô hoành tráng với sự xuất hiện của hơn 1.200 nghệ sĩ tại 3 điểm cầu Bắc-Trung-Nam, là bức tranh đan xen giữa quá khứ hào hùng và hiện tại, truyền tải thông điệp về khát vọng thống nhất, tinh thần đoàn kết, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Chương trình cũng nhằm lan toả tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử của Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Ba điểm cầu được đặt tại các địa điểm mang nhiều ý nghĩa, có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Điểm cầu Hà Nội là Công viên Thống Nhất, biểu tượng lịch sử của khát vọng hòa bình, Bắc Nam sum họp. Điểm cầu Quảng Trị được đặt tại di tích quốc gia đặc biệt  Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình. Trong khi đó, điểm cầu Công viên Bờ sông Sài Gòn là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Lương Cường với các đại biểu dự chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Lương Cường dự chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Chương trình cầu truyền hình “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu dự chương trình tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đại biểu dự chương trình Cầu truyền hình trực tiếp "Vang mãi khúc khải hoàn" tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

 Với 3 chương mang tên “Khát vọng hòa bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”, cầu truyền hình  “Vang mãi khúc khải hoàn” tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. 

Phần mở đầu về "Khát vọng hòa bình" là những thước phim tư liệu quý giá tái hiện bối cảnh lịch sử đau thương nhưng kiên cường, khi cả dân tộc buộc phải cầm súng để bảo vệ độc lập; các tiết mục nghệ thuật đậm chất sử thi, từ những làn điệu dân ca đến hòa tấu đương đại, khắc họa sâu sắc ý chí bất khuất của dân tộc.

Chương 2 mang đến cho khán giả một phóng sự đặc biệt, tiết mục thực cảnh về Tết Mậu Thân 1968, trận chiến Thành cổ Quảng Trị, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và Hiệp định Paris 1973 - những dấu mốc lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh; những màn trình diễn nghệ thuật kết hợp công nghệ 3D mapping, tái hiện sống động khoảnh khắc quân ta tiến vào Dinh Độc lập, đưa người xem trở lại thời khắc lịch sử trọng đại.

Chú thích ảnh
Chương trình nghệ thuật tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Chương cuối là những thông điệp từ bài học lịch sử được kết nối với thành tựu đất nước hôm nay, khẳng định tầm vóc của sự kiện Giải phóng miền Nam trong hành trình phát triển đất nước. Với điểm nhấn là những tiết mục nghệ thuật hiện đại, từ hợp xướng hoành tráng đến màn pháo hoa rực rỡ, tiết mục đã thắp lên niềm tự hào và khát vọng vươn tới tương lai.

Các tiết mục nghệ thuật trong “Vang mãi khúc khải hoàn” được dàn dựng quy mô hoành tráng tại 3 miền Bắc-Trung-Nam với hình thức thể hiện đa dạng từ MV, thực cảnh cho tới hoạt cảnh…, cùng nhiều màu sắc âm nhạc phong phú, tái hiện những trang sử hào hùng của đất nước. Đáng chú ý, MV mở đầu chương trình mang tên “Con đường ta chọn” có sự tham gia của 50 gương mặt đại diện cho nhiều lĩnh vực ngành, nghề khác nhau; trong khi tiết mục "Quê hương Việt Nam" với sự tham gia của nhiều đại sứ và phu quân, phu nhân các nước, học sinh sinh viên và 20 hoa hậu, á hậu, người đẹp trong trang phục áo dài cảnh đẹp Việt Nam.

Cùng với đó, chùm ca khúc được lựa chọn trong chương trình đưa khán giả trở lại những dấu mốc lịch sử đầy tự hào, như: "Câu hò bên bờ Hiền Lương", "Giải phóng miền Nam", "Trên công trường rộn tiếng ca", "Hà Nội niềm tin hy vọng", "Tiến về Sài Gòn", "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam", "Quê hương Việt Nam"…

Chú thích ảnh
Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hoà bình”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chương trình còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng: Nghệ sĩ nhân dân Tạ Minh Tâm, Nghệ sĩ ưu tú Hồng Liên, Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Hương, Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Tùng, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thế Vĩ, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Khánh Linh, Anh Bằng, S. Jmi Ko, Tăng Thành Nam, Anh Tú, Hà Lê, ca nương Kiều Anh, Hoàng Dũng, Suboi, Thanh Lê, Thanh Nguyên - Trúc Lai - My Phôn - Cao Công Nghĩa - Tùng Lâm - Minh Sang - Leo Minh Tuấn - Thành Tâm...

Góp phần tái hiện những năm tháng lịch sử của đất nước trong chương trình đặc biệt này còn có những phóng sự trải dài suốt 20 năm, cùng sự xuất hiện của nhiều nhân chứng lịch sử, giúp khán giả, đặc biệt là những người trẻ hiểu rõ bối cảnh lịch sử buộc nhân dân ta phải cầm súng để bảo vệ độc lập, thể hiện ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.

Đáng chú ý, tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh có cuộc trao lại kỷ vật xúc động của một cựu binh người Mỹ lưu giữ cho một gia đình liệt sĩ ở Việt Nam. Cựu binh Adolph Novello khi tham gia chiến tranh ở Việt Nam đã thu giữ lại được nhiều giấy tờ, trong đó có những giấy tờ mang tên Kha Văn Việt và khi rời chiến trường Việt Nam ông đã mang những kỉ vật đó về Mỹ, cất giữ trong một chiếc hộp suốt 50 năm. Đúng vào dịp kỷ niệm đặc biệt này của dân tộc Việt Nam, cựu binh Novello có nguyện vọng mang những giấy tờ và kỉ vật này trao lại cho thân nhân của liệt sĩ. Dù không có mặt tại sự kiện, song kỷ vật mà ông Novello lưu giữ đã được trao lại cho người thân của liệt sỹ Kha Văn Việt (người dân tộc Thái, hy sinh ở Quảng Trị) ngay tại sân khấu của chương trình là một điểm nhấn đầy cảm xúc về sự thấu hiểu, đồng cảm và mong muốn khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.

Chú thích ảnh
Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp "Vang mãi khúc khải hoàn" tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chương trình “Vang mãi khúc khải hoàn” khơi gợi niềm xúc động và lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, những con người đã ngã xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Sự mất mát ấy là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào khi nhìn lại những thành quả mà máu, mồ hôi và nước mắt đã đánh đổi. Không khí chương trình vang vọng tinh thần anh hùng ca, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, thôi thúc mỗi người tiếp nối truyền thống cha ông, bằng sự đoàn kết, ý chí và trí tuệ, chung tay dựng xây một Việt Nam ngày càng hùng cường, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.

Chú thích ảnh
Màn pháo hoa rực rỡ thắp sáng bầu trời tại điểm cầu Công viên Thống Nhất (Hà Nội), chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN
Hoài Nam – Phạm Tiếp – Phan Phương – Anh Tuấn (TTXVN)
50 năm Thống nhất đất nước: Tiếng vang lớn mang tầm cỡ thế giới
50 năm Thống nhất đất nước: Tiếng vang lớn mang tầm cỡ thế giới

Chiều 26/4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Lịch sử thuộc địa và hậu thuộc địa Pháp, Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) và Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã tổ chức hội thảo nhằm ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên và cùng suy ngẫm về ý nghĩa lịch sử của sự kiện trọng đại này tại trụ sở của UGVF ở phố Petit Musc thuộc quận 4, thủ đô Paris.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN