Hà Nội phát triển với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thử thách, Đảng bộ chính quyền và nhân dân TP Hà Nội đã thể hiện tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; từng bước nâng cao vị thế của Thủ đô, tạo sức bật mới phát triển.

Trong sự nghiệp kháng chiến vĩ đại của quân và dân Việt Nam ta, ngày 10/10/1954 là sự kiện đánh dấu thời khắc Thủ đô Hà Nội vừa giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân Pháp, vừa kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm với một lực lượng cách mạng lớn mạnh. 69 năm trôi qua, phát huy khí thế hào hùng của những ngày tháng lịch sử, giờ đây Hà Nội đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ với vai trò là trung tâm công nghiệp lớn, đầu tàu của nền kinh tế đất nước; đảm nhận tốt vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Mở rộng Thủ đô - quyết định mang tầm vóc lịch sử

Nhớ lại sáng 1/8/2008, phát biểu tại kỳ họp hợp nhất Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) đã khẳng định: “Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là quyết định mang tầm vóc lịch sử, không những vẫn giữ được thế “Rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi”, mà còn nâng lên một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh”.

Ở thời điểm được hợp nhất, Hà Nội rộng 3.328,89 km2, với dân số 6.230.000 người; gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Đến tháng 6/2023, dân số Thủ đô đạt 8.564.500 người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), với 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Chú thích ảnh
Kỳ họp hợp nhất HĐND TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây được tổ chức ngày 1/8/2008. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư) đến dự và phát biểu. Ảnh tư liệu Hà Nội
Chú thích ảnh
Sau 15 năm hiện thực hoá Nghị quyết 15 của Quốc hội, Hà Nội đã trở thành Thủ đô lớn thứ 17 thế giới, với dân số gần 9 triệu người.

Sự thay đổi mạnh mẽ của Thủ đô sau 15 năm, cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực là kiểm chứng sống động cho thấy sự đúng đắn của một quyết định mang tính lịch sử. Những bước đi quyết đoán, mạnh mẽ và thận trọng của lãnh đạo thành phố, cùng với đó là sự dám nghĩ, dám làm của các cấp, các ngành; sự đồng thuận của người dân đã mang lại những tín hiệu vui thực sự cho Hà Nội.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khủng hoảng và suy thoái, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, phát huy vai trò "đầu tàu", động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Công tác cải cách thủ tục hành chính sau 15 năm đã có chuyển biến tích cực khi tận dụng kịp thời thành tựu của công nghệ 4.0 để từng bước phát triển “chính quyền điện tử”, rút ngắn thời gian, hạn chế gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính phục vụ vì dân. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thành công cơ chế một cửa trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước.

Chú thích ảnh
Đại lộ Thăng Long hiện đại có chiều dài 29 km, chiều rộng trung bình 140 m, điểm đầu là nút giao Trung Hòa (Trung tâm Hội nghị Quốc gia) và điểm cuối là nút giao Hòa Lạc, được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng và thông xe vào tháng 10/2010.

Nếu như ở thời điểm vừa mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô đứng trước khó khăn khi khu vực nông thôn chiếm đến 2/3 diện tích của Hà Nội và 60% dân số sống ở khu vực nông thôn, hiện nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo khởi sắc, hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, dân chủ được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt.

15 năm mở rộng địa giới hành chính chỉ là một chặng đường ngắn so với chiều dài lịch sử nghìn năm Thăng Long văn hiến, song thực sự là minh chứng khẳng định về tính đúng đắn, hợp lý của quyết sách mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước; thể hiện tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Xác định vị thế mới cho "Văn hóa", hoàn thiện các quy hoạch lớn

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội là một trong số ít những thủ đô trên thế giới có lịch sử, truyền thống văn hóa hơn 1.000 năm tuổi và được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Chú thích ảnh
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố xác định đầu tư hơn 90.000 tỷ đồng cho 3 lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn 2022 - 2025.
Chú thích ảnh
Hơn 1.000 năm thăng trầm lịch sử, Hà Nội vẫn giữ trong mình những nét hoài cổ độc đáo.
Chú thích ảnh
Từ tối 1/9/2016, khi Hà Nội thực hiện thí điểm phố đi bộ quanh Hồ Gươm, đã có hàng vạn người dân cùng nhau ra đường dạo chơi trên các tuyến phố đi bộ. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Nhằm khai thác tiềm năng to lớn đó, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022) theo tinh thần Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Cùng với nghị quyết quan trọng này, thành phố xác định 3 lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo gồm Y tế, Giáo dục và Văn hóa. Đến nay, nguồn vốn cấp thành phố và cấp huyện được xác định đầu tư cho 3 lĩnh vực này đã đạt hơn 90.000 tỷ đồng.

Song song với nhiệm vụ phát triển văn hóa, thành phố đã mạnh dạn triển khai một số chủ trương lớn, có ý nghĩa lâu dài. Cụ thể, Hà Nội xác định Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển, và từ đó tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đó là tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn, gồm: Lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, thành phố đã tập trung định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, vừa là những cực tăng trưởng mới, vừa giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô. Thành phố Bắc sông Hồng bao gồm 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, lấy hạt nhân là sân bay Nội Bài. Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) lấy Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa được bàn giao về Hà Nội quản lý, làm hạt nhân.

Chú thích ảnh
Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội.

Hai thành phố sẽ gắn với 5 trục phát triển, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển đô thị theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; trục không gian hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục không gian hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam.

Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã chỉ đạo nhấn mạnh các yếu tố tiểu vùng văn hóa để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến (văn hóa Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông, văn hóa Thăng Long, Kẻ Chợ); nghiên cứu định hướng phát triển vừa bảo đảm hội tụ, vừa gìn giữ được văn hóa của từng vùng; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ, kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ...

Hà Nội chính thức bắt tay xây dựng mô hình đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, kết hợp các trục hướng tâm có mối liên kết với hệ thống giao thông Vùng và quốc gia. Một hành lang xanh với 70% diện tích đất tự nhiên được đưa vào lộ trình thực hiện.

Đến nay, các đồ án quy hoạch chung được UBND Thành phố phê duyệt đã phủ kín 100%, giao thông khung không ngừng mở rộng. Nhiều tiềm năng như bất động sản được đánh thức, quỹ đất cho phát triển được tối ưu hóa. Đã có 22 triệu m2 quỹ nhà ở mới được tạo lập, góp phần giãn dân ra khỏi nội đô, đưa diện tích bình quân nhà ở đạt 26,1 m2/người.

Chú thích ảnh
Từ Nghị quyết của Quốc hội, các bước tiếp theo như xây dựng các đồ án quy hoạch phân khu, xây dựng chi tiết trên địa bàn toàn thành phố được khởi động.
Chú thích ảnh
“Mạch máu” giao thông Thủ đô Hà Nội từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Một chủ trương lớn và cũng là bước đi đột phá về phát triển hạ tầng là Hà Nội đã chủ động đề xuất và được Trung ương, Quốc hội thông qua chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đường Vành đai 4 là bước cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cũng là dự án lớn đầu tiên triển khai theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chỉ trong một thời gian ngắn, dự án đường Vành đai 4 đã được triển khai, hoàn thành các mốc tiến độ theo kế hoạch như bàn giao mốc giới, đặc biệt là tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng. Ngày 25/6/2023, đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định, thành phố Hà Nội đã đi đầu khởi công dự án tại 4 điểm trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. 
Chú thích ảnh

Đến nay, diện tích giải phóng mặt bằng cho dự án đạt gần 90% ở 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên). Hiện, 14 mũi thi công dự án đã và đang được các nhà thầu triển khai; Thành phố cũng đang tích cực tháo gỡ khó khăn về mỏ vật liệu, chỉ đạo các quận, huyện quản lý chặt chẽ diện tích đã thu hồi mặt bằng, phối hợp bàn giao cho chủ đầu tư, các nhà thầu để tổ chức thi công dự án...

Con đường khi hoàn thành không chỉ tạo động lực phát triển cho Hà Nội, mà còn khắc phục hạn chế liên kết vùng, thúc đẩy các tỉnh vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng cùng phát triển.

Sửa luật Thủ đô: Đảm bảo phân cấp, phân quyền cho Hà Nội

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, điều quan trọng nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đem lại giá trị thiết thực, thực chất là việc phân cấp, giao quyền cho Hà Nội. Thành phố đang quá tải về hạ tầng giao thông, nhu cầu hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đầu tư nhanh chóng các cây cầu vượt sông, các tuyến đường sắt rất lớn và cấp bách. Nhưng nếu thực hiện như cơ chế hiện hành thì phải rất lâu mới có thể hoàn thành, vừa gây lãng phí tiền của, vừa lãng phí thời cơ, cơ hội phát triển.

Chú thích ảnh
Việc phân cấp, ủy quyền đã giúp Hà Nội chủ động nguồn lực đầu tư xây dựng những dự án trên địa bàn. Trong ảnh: Cầu Vĩnh Tuy 2 nối 2 bờ sông Hồng.

Giao quyền cho Hà Nội cũng chính là tháo gỡ các nút thắt cản trở, vướng mắc để tạo động lực mới cho Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung tiến lên. Ví dụ như giao quyền cho Thủ đô quyết định đầu tư công, các dự án theo hình thức công tư (PPP), đầu tư các dự án cầu quy mô lớn như các cầu qua sông tại Hà Nội (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên) có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng (thuộc nhóm dự án trọng điểm quốc gia) hay các cầu liên tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương như cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc...

Thực tế, nếu chờ các bước theo quy trình thủ tục, trình Quốc hội thì sẽ rất lâu và giao cho Hà Nội thì chắc chắn thành phố thực hiện thành công. Hay đối với nhu cầu xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch trên địa bàn Hà Nội, nếu thực hiện theo quy trình, cách thức hiện nay là xé lẻ từng tuyến, mỗi tuyến một nguồn vốn tài trợ, một nhà thầu thì sẽ rất manh mún và kéo dài. Do vậy, rất cần có cơ chế dành riêng cho phép cả 10 tuyến 1 gói vay ODA, trên cơ sở đó thực hiện đồng bộ, bảo đảm kỹ thuật và thời gian vận hành...

Việc di dời các trụ sở cơ quan trung ương vừa được Chính phủ báo cáo ra Quốc hội cho thấy tính chất cấp thiết cần có giải pháp cụ thể, khả thi để thực hiện; tương tự là việc di dời các bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô. Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ này, cần trao cho Hà Nội cơ chế như đứng ra giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở mới để các trường học, bệnh viện chỉ việc di chuyển đến là có thể vận hành được; thay vì để các trường học, bệnh viện di dời phải tự lo giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở mới như hiện nay...

Theo ông Đinh Tiến Dũng, nếu những “nút thắt” này được tháo gỡ, không chỉ Hà Nội có sức bật mới mà các địa phương, đơn vị liên quan cũng có cơ hội phát triển. Các nội dung quan trọng này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu khai mạc trong tháng 10 này. Khi được Quốc hội thông qua, đây sẽ là con đường phát triển của Thủ đô trong 20 - 40 năm tới, nên ý nghĩa là rất hệ trọng.

Chú thích ảnh
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu không quy định phân cấp cụ thể cho chính quyền cấp dưới, thì nên tính toán để bổ sung điều khoản giao cho Thủ đô thẩm quyền phân cấp cho chính quyền cấp dưới, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cấp dưới thực hiện.

Gợi mở vấn đề này, cuối tháng 9 vừa qua, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc phân cấp, phân quyền phải toàn diện trên các lĩnh vực, không chỉ là về kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác theo hướng "vừa bảo đảm tính toàn diện, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm, phải tạo ra đột phá, chứ không phải rải mành mành".

Trong dự thảo Luật lần này cần tập trung phân cấp, phân quyền đến cấp Thủ đô, tức là cấp tỉnh. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát và bổ sung nội dung phân cấp cho chính quyền cấp dưới, nếu không quy định phân cấp cụ thể cho chính quyền cấp dưới, thì tính toán để bổ sung điều khoản giao cho Thủ đô thẩm quyền phân cấp cho chính quyền cấp dưới, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho cấp dưới thực hiện.

Khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm

Với tinh thần chủ động, đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, cùng với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, TP Hà Nội đã vượt lên những khó khăn, thách thức. Kinh tế - xã hội Thủ đô giữ được tốc độ tăng trưởng và có mức phát triển, nổi bật là: Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 tăng 2,92%, năm 2022 tăng 8,89%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 305.300 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Hà Nội đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh toàn diện. Phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao. Lực lượng vũ trang Thủ đô đã tích cực, chủ động tham gia một cách hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19.

Về công tác đối ngoại, Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố, vùng địa phương trên thế giới. Giai đoạn 2011 - 2022, Hà Nội đã ký kết 83 thỏa thuận quốc tế. Hàng năm, lãnh đạo Thành phố đã tiếp xúc, làm việc với trên 200 đoàn khách, đối tác quốc tế; duy trì hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn các cấp.

Hà Nội cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, nổi cộm, cấp thiết đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030; quyết liệt xử lý đối với 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn thành phố, dự kiến hoàn thành trong tháng 11 tới; tăng cường phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính; đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy cải tạo các khu chung cư cũ...

“Giữa bộn bề công việc, trách nhiệm nặng nề, Hà Nội luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đồng thời chủ động chọn việc để làm, đã làm thì quyết tâm “làm ra tấm ra món””, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Tháng 5/2023 vừa qua, tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ đề nghị, Hà Nội phải đi đầu trong việc khuyến khích và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. Đồng thời, khắc phục bằng được khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm; chú trọng công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10) là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử, từ đó thêm tự hào và thêm yêu Hà Nội. Phát huy truyền thống đó và để trở thành động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Chú thích ảnh
Sau 69 năm nhìn lại, vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn; với nhiều bứt phá, phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Trung Nguyên/Báo Tin tức
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
Đường phố Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô

Nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Hùng Vương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Lê Hồng Phong, Điện Biên Phủ… được trang hoàng rực rỡ với cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu và áp phích để chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN