Hiện nay, Hà Nội có gần 29.171,3ha tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, rừng sản xuất 13.982,9ha, rừng phòng hộ 5.034,2ha, rừng đặc dụng 10.154,2ha. Rừng không chỉ được ví như "lá phổi xanh" điều hòa không khí, bảo vệ môi trường Thủ đô, mà còn gắn với các điểm di tích văn hóa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các khu du lịch, nghỉ ngơi cuối tuần nổi tiếng của đất nước như: Chùa Hương, Vườn quốc gia Ba Vì...
Hà Nội dự kiến cần tới 1.497 tỷ đồng để quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng. |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan nhanh chóng lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 đến năm 2020, trong đó cần rà soát, làm rõ và hoàn thiện một số chỉ tiêu cho sát với tình hình thực tiễn quản lý, bảo tồn, quản lý phát triển rừng. Theo đó, Hà Nội cần khoảng 1.497 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch này, trong đó vốn ngân sách khoảng 854 tỷ đồng, chiếm 57%; vốn vay khoảng 314,4 tỷ đồng, chiếm 14%; vốn liên doanh, liên kết khoảng 193,2 tỷ đồng, chiếm 12,9% và vốn dự phòng khoảng 136 tỷ đồng, chiếm 9,1%.
Thực trạng hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, chất lượng và giá trị kinh tế từ rừng lại thấp, công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được chú trọng vẫn còn để xảy ra cháy rừng... Theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn đến diện tích đất rừng bị thu hẹp là do tốc độ phát triển công nghiệp, xây dựng, du lịch nhanh, cộng thêm là mật độ dân số lại cao, qũy đất hạn chế, nhu cầu sử dụng đất giữa các ngành trở nên gay gắt. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách quản lý đất rừng và đất lâm nghiệp cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp, quy hoạch, kế hoạch quản lý phát triển rừng chưa đồng bộ. Ngoài ra, nhận thức của chính quyền địa phương, nhà quản lý và người dân về vai trò của rừng với môi trường, kinh tế xã hội cũng chưa thật sự đầy đủ, nên chưa phát huy hết tiềm năng của đất đai, cũng như huy động được nội lực của dân trong việc phát triển rừng...
Bởi vậy, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 đến năm 2020 đề ra mục tiêu phải bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học góp phần nâng tỷ lệ rừng từ 7,3-7,5%. Về kinh tế sẽ tạo nhiều sản phẩm có giá trị cao từ trồng rừng, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, nâng mức thu nhập 1 ha đất lâm nghiệp hiện nay từ 10-15 triệu đồng/ha/năm lên 40-60 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020; đồng thời hàng năm giải quyết việc làm cho 10.000 - 15.000 lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng...
Phương Anh