Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới. Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỷ đồng.
Thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu phát biểu tán thành sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ. Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
Từ thực tiễn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không nên lặp lại những khuyết điểm mà 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã rút kinh nghiệm, đặc biệt là thủ tục hành chính, tránh trường hợp mỗi bộ, mỗi ngành làm một cách khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) lưu ý, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa có đối tượng, phạm vi rất rộng, rất nhiều nội dung khó, do đó cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng để có cơ sở xác định mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.
Liên quan đến nguồn lực đầu tư cho Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Hiện nay, vốn đối ứng của ngân sách địa phương rất cao, chiếm 24,6 %, rất khó thực hiện, nhất là những tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn thu ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh 5 nguyên tắc để cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.
Một là, Chương trình để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hóa.
Hai là, phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước đầu tư phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung, nhiệm vụ chi, các nội dung cần tập trung đầu tư từ Chương trình.
Ba là, Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa.
Bốn là, Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai.
Năm là, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, Chương trình cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hóa.
* Thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các quy định của dự án Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, khái quát về các nội dung xác định tại phạm vi điều chỉnh; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật.
Một số đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hết sức quan tâm đến việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở.
Trong các quy định về điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động của công đoàn, dự thảo luật có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được đảm bảo thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn, tuy nhiên thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, không khả thi. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) đề nghị cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp, đảm bảo tổ chức công đoàn có vị thế, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.
Đại biểu cũng cho biết, các Điều 6, 7, 8 trong dự thảo luật có quy định về tổ chức của Công đoàn Việt Nam, tuy nhiên, Điều 2 về phạm vi điều chỉnh lại không bao gồm tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung để đảm bảo phạm vi điều chỉnh được quy định đầy đủ.