Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ Mỹ đã đưa các chỉ số trên thị trường chứng khoán Phố Wall lên các mức cao kỷ lục mới ngay trong phiên đầu tuần ngày 22/1. Theo nhà phân tích Joshua Mahony thuộc IG, giải pháp khắc phục tình trạng đóng cửa chính phủ liên bang tại Mỹ đã tạo lực đẩy cho các chỉ số chứng khoán từ châu Á tới châu Âu, nhưng vì đó chỉ là một giải pháp tạm thời nên một tình huống tương tự lại sẽ diễn ra trong những tuần tới.
Ba phiên giao dịch liền sau đó, phiên nào cũng chứng kiến mức “đỉnh” mới của các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ, song diễn biến mỗi phiên lại không đồng nhất. Báo cáo lợi nhuận trái chiều của các doanh nghiệp đã tác động đáng kể tới xu hướng dịch chuyển của các chỉ số chứng khoán, bất chấp chính sách cắt giảm thuế của Mỹ đã làm gia tăng tâm lý lạc quan của giới đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 26/1, Phố Wall lại tưng bừng sắc xanh với cả ba chỉ số chủ chốt đều đạt mức cao kỷ lục mới. Loạt báo cáo lợi nhuận lạc quan từ khối doanh nghiệp, bao gồm tập đoàn công nghệ Intel và công ty dược phẩm AbbVie, cùng với đà suy yếu của đồng USD đã hậu thuẫn thị trường cổ phiếu trong phiên này.
Kết thúc phiên 26/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 223,92 điểm (0,85%), lên 26.616,71 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 33,62 điểm (1,18%), lên 2.872,87 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 94,61 điểm (1,28%), lên 7.505,77 điểm. Tính chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 2,08%, S&P 500 tiến 2,22%, còn Nasdaq cộng 2,31%.
Báo cáo lợi nhuận khả quan của nhiều doanh nghiệp khiến các nhà đầu tư chứng khoán “phớt lờ” báo cáo mới nhất của Bộ Thương mai Mỹ về tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2017. Theo báo cáo này, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ đạt 2,6% trong quý IV vừa qua, thấp hơn mức dự báo là 3%.
Giá cổ phiếu của Intel đã tiến 10,55% trong phiên cuối tuần, lên 50,08 USD/cổ phiếu, sau khi chạm mức 50,15 USD/cổ phiếu, mức cao nhất kể từ tháng 10/2000. Trong khi đó, giá cổ phiếu của AbbVie cũng tăng 13,77% trong phiên này, sau khi nhà sản xuất dược phẩm nâng mạnh dự báo lợi nhuận trong năm 2018, với sự hỗ trợ từ luật cải cách thuế.
Đà tăng của cổ phiếu AbbVie đã giúp nhóm cổ phiếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thuộc chỉ số S&P tiến 2,17%, qua đó ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016, đồng thời cũng là lĩnh vực có thành quả tốt nhất trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P.
Bên cạnh đó, xu hướng suy yếu của đồng USD giúp các công ty đa quốc gia của Mỹ hưởng lợi thêm, tạo động lực cho các chỉ số chứng khoán đi lên. Tuần này, đồng USD ghi nhận diễn biến tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2017.
Tổng thống Mỹ trong một phát biểu ngày 25/1 bày tỏ mong muốn được thấy một đồng USD mạnh, trái ngược với bình luận trước đó của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vốn đã khiến “đồng bạc xanh” sụt giảm xuống các mức thấp trong ba năm qua. Ngay sau bình luận trên của Tổng thống Mỹ, đồng USD đã tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất trong ba năm qua so với đồng euro. Tuy nhiên, “đồng bạc xanh” vẫn đang thấp hơn mức ghi nhận trước bình luận của ông Mnuchin, vốn đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ châu Âu.