QE3 đã cận kề: Bài cuối: QE3: Liệu có hữu ích?

Về mặt lý thuyết, không gian phát huy tác dụng của QE3 là rất hạn hẹp. Bởi bất cứ chính sách giống nhau nào cũng khó có thể thoát khỏi quy luật giảm dần về tính hữu dụng. Trong thời gian thực thi, QE1 đã phần nào giúp kinh tế Mỹ xoay chuyển được tình huống khó khăn gây ra bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Tác dụng này của QE2 đã bị giảm mạnh. Đặc biệt, vào thời kỳ cuối của QE2, kinh tế Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu xấu đi như tăng trưởng kinh tế, tỉ lệ nhà bán được, giá trị đơn đặt hàng mới giảm xuống, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên. Operation Twist (được coi là QE2.5) cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Quyết định chuyển đổi 400 tỷ USD trái phiếu kì hạn dưới 3 năm thành trái phiếu kì hạn 6-30 năm nhằm giảm lãi suất dài hạn, thúc đẩy nhu cầu đi vay đã không mang lại hiệu quả. Lãi suất liên tục phá đáy do tâm lý hoang mang ngày càng tăng trong giới đầu tư khi cuộc khủng hoảng tại Eurozone ngày một tồi tệ hơn.


Trong bối cảnh lãi suất trái phiếu của Mỹ đã xuống tới mức thấp kỉ lục, theo nhà kinh tế trưởng Stephen Stanley tại Pierpont Securities, “một đợt nới lỏng định lượng nữa (QE3) của FED sẽ chẳng làm được gì nhiều để thay đổi tình hình”. Với lãi suất trái phiếu 10 năm dưới 1,5% và lãi suất trái phiếu 30 năm dưới 2,5%, ông Stanley cho rằng, QE3 chỉ khiến lãi suất giảm thấp hơn. Nhưng như những gì đã nêu ở bài 1 và bài 2, FED dường như đã hội đủ nhân tố trong, ngoài để thực hiện QE3. Jon Hilsenrath - người được cây bút lừng danh Cardiff Garcia thuộc tờ Thời báo Tài chính (Anh) ví là người đưa tin của Bernanke - cũng cho biết FED đang chính thức cân nhắc hành động trước tình hình các dữ liệu kinh tế xấu đi. Vấn đề được quan tâm hiện nay là QE3 sẽ nhằm tới lĩnh vực nào và gây ra tác động ra sao đối với nền kinh tế thế giới.


Trả lời phỏng vấn của Reuters, Chủ tịch FED tại Boston, ông Rosengren, cho rằng cách tốt nhất là FED kéo dài Operation Twist. Chuyên gia kinh tế tài chính Ward McCarthy thuộc Tập đoàn Jefferies cũng cho rằng FED có thể sẽ mở rộng Operation Twist, sử dụng nó để mua các chứng khoán thế chấp. Nhưng theo Morgan Stanley, khả năng lớn nhất là QE3 hướng vào việc mua nợ trực tiếp. Chuyên gia kinh tế Steve Scofield cũng có quan điểm tương tự Morgan Stanley, nhưng cụ thể hơn khi nói rằng QE3 sẽ được tiến hành theo phương thức mua chứng khoán thế chấp bằng bất động sản (Mortgage backed securities - MBS).


Trước đó, vào năm 2011, khi QE2 kết thúc, những đồn đoán về QE3 cũng đã rộ lên và nhà kinh tế học độc lập Tạ Quốc Trung của Hồng Công (Trung Quốc) tin rằng thị trường chứng khoán là công cụ duy nhất có thể dẫn dắt kinh tế Mỹ. Bởi thị trường bất động sản Mỹ hiện vẫn có một lượng lớn hàng tồn kho không thể tiêu thụ được nên không thể phục hồi; các doanh nghiệp thực sự có chút tiền mặt, nhưng do viễn cảnh ảm đạm nên sẽ rất cẩn trọng khi đầu tư, trong khi đó chính phủ liên bang đã không có cách nào để tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế. Chỉ có kích thích thị trường chứng khoán mới có thể tạo ra hiệu ứng giàu có và sự phấn chấn lan tỏa nhanh, mạnh. Vì thế, QE3 không nhất định được đưa ra dưới hình thức mua trái phiếu chính phủ như QE2 mà có thể được sử dụng để mua các tài sản rủi ro như cổ phiếu công ty hoặc MBS.


Nhưng dẫu QE3 có hướng tới lĩnh vực nào thì trên thế giới khó có nước nào “vỗ tay” trước sự ra đời của nó, ngoài các nhà đầu tư trên thị trường hàng hóa và năng lượng. Lịch sử cho thấy giá năng lượng trên thế giới sẽ phần nào ổn định và dễ chịu hơn nhờ sự tăng giá của đồng USD. Đây cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh. Chưa kể giá cả hàng hóa ổn định cũng góp phần đưa lạm phát vào tầm kiểm soát, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng. Nhưng nếu đồng USD giảm giá, câu chuyện sẽ chuyển hướng. Khi QE2 sắp kết thúc, kỳ vọng vào QE3 đã được giới đầu cơ lợi dụng để đẩy giá vàng lên sát mốc 2.000 USD/ounce. Các loại kim loại quý, hàng hóa khác cũng té nước theo mưa cùng kỳ vọng QE3 và khi QE2 kết thúc, không thấy QE3, thất vọng đã đẩy giá vàng, bạc rớt không phanh. Thậm chí, một ngày sau khi FED công bố Operation Twist, giá vàng đã rơi tự do đến hơn 100 USD, là mức giảm mạnh nhất theo ngày trong lịch sử giá vàng. Giờ đây, sự kỳ vọng về QE3 lại trỗi dậy. Giá vàng, dầu và nhiều loại hàng hóa khác bắt đầu ngóc đầu tăng sau khi giảm mạnh bởi những lo lắng từ Eurozone.


Bên cạnh đó, quá trình thực hiện QE2 cho thấy một phần thanh khoản của gói nới lỏng tiền tệ này đã đổ về các thị trường mới nổi. Nguồn vốn luôn tìm kiếm những nơi có tăng trưởng và lợi nhuận, đó là quy luật. Nhưng khi đồng USD chảy vào sẽ đẩy tỷ giá hối đoái lên cao và gây thiệt hại cho ngành xuất khẩu, khiến thị trường vốn của các nước dễ bị tổn thương hơn trước các biến động của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Để bảo vệ ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia và giảm lạm phát, các ngân hàng trung ương có thể thiết lập một chu trình cạnh tranh phá giá. Nói một cách khác, “chiến tranh tiền tệ” sẽ xảy ra và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống thương mại thế giới.


Tóm lại, tác dụng của QE3 đối với kinh tế Mỹ là hạn chế. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz cho rằng những chính sách tài chính mới là những công cụ hiệu quả giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ chứ không phải gói QE3. Tuy nhiên, tác hại của QE3 đối với kinh tế thế giới có thể nói là khôn lường. Và ở đây rất cần một hành động trách nhiệm đối với cộng đồng chứ không phải việc đổ lỗi, cho rằng các ngân hàng tại những thị trường mới nổi chú ý quá ít tới lạm phát trong khi lại tập trung quá nhiều vào tỉ giá hối đoái.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

QE3 đã cận kề-Bài 2: Những nhân tố thúc đẩy Mỹ nới lỏng tiền tệ
QE3 đã cận kề-Bài 2: Những nhân tố thúc đẩy Mỹ nới lỏng tiền tệ

Có một điều mà ai cũng có thể nhận ra là khi những tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ Hy Lạp rời Eurozone và gần đây là hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha có thể đổ vỡ do gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn gióng lên mạnh mẽ...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN