Thành phố Hồ Chí Minh: Thịt “bẩn” tuồn vào thành phố

Vào những tháng cuối năm, tình hình buôn bán gia súc, gia cầm trái phép vào thành phố ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. So với trước đây, mức độ vi phạm có tính quy mô và tinh vi hơn.

TP Hồ Chí Minh là địa bàn tiêu thụ lượng gia súc gia cầm rất lớn từ các tỉnh. Trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 1,1 triệu kg sản phẩm thịt động vật các loại và 3,5 triệu quả trứng gia cầm. Trong đó, lượng sản phẩm động vật từ các tỉnh khác chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ chiếm khoảng 70-80%.

Người dân lo ngại mua phải thịt “bẩn” nếu cơ quan không kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt gia súc, gia cầm trên thị trường.


Trong khi đó, một số tỉnh trên cả nước vẫn còn xuất hiện dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh, đặc biệt là các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh như: Long An, Tây Ninh và Tiền Giang nên khả năng bán “tháo” lợn bệnh vào TP Hồ Chí Minh cũng khó tránh khỏi. Hơn nữa, qua công tác kiểm tra dịch tễ đầu tháng 11, Chi cục Thú y TP đã phát hiện đàn lợn tại ba hộ chăn nuôi thuộc hai xã Xuân Thới Sơn và Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho phản ứng dương tính với bệnh lợn tai xanh chủng Trung Quốc. Toàn bộ gần 50 con lợn tại các hộ chăn nuôi này đã được thu gom và tiêu hủy. Chi cục Thú y đang giám sát chặt chẽ việc xuất nhập tại khu vực này để thực hiện vệ sinh khử khuẩn, hạn chế dịch bệnh lây lan.

Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Trong thời gian gần đây cơ quan này liên tục bắt giữ những chuyến hàng thịt heo, mỡ heo, gia cầm… vận chuyển trái phép, không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối vào thành phố bằng các phương tiện giao thông khác nhau. Cụ thể, khoảng 9 giờ 30 phút sáng ngày 17/11, trên QL1A tại Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện xe khách 53L 8347 do tài xế Nguyễn Bình, ngụ tại Đồng Nai vận chuyển trong khoang hành khách 526kg thịt lợn và 20kg phụ phẩm lợn từ Đồng Nai về TP tiêu thụ. Điều đáng nói là toàn bộ lô hàng này đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, bốc mùi hôi thối và thịt có dấu hiệu tím tái, da với phủ tạng đều xuất huyết. Cùng với chiêu vận chuyển trong khoang hành khách nhưng lại là xe buýt, ngày 15/11, cơ quan chức năng cũng phát hiện xe buýt 53N 9957 vận chuyển 43kg chả lụa không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.

Với những hành vi vi phạm nêu trên, người tiêu dùng lo ngại rằng, nếu số thịt “bẩn” này không được kiểm soát chặt chẽ thì nó sẽ có mặt trên bàn ăn của nhiều gia đình, và hậu quả thật khó lường.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: Tình trạng vận chuyển thịt lợn trái phép từ các tỉnh về TP bằng các phương tiện xe khách, xe buýt, xe máy… và nhiều hoạt động khác rất tinh vi đã gây khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý. Thông thường các đối tượng này đối phó bằng cách cho người theo dõi giờ giấc, hoạt động… của lực lượng kiểm tra để chờ những lúc sơ hở sẽ cho xe vượt trạm, hoặc vận chuyển hàng vào ban đêm. Bên cạnh đó, các đối tượng này còn tránh Trạm Kiểm dịch Động vật bằng cách cho xe đi vòng qua các tuyến đường khác, hoặc địa điểm giao hàng tại các địa phương giáp ranh như: Bình Dương, Đồng Nai… để tránh khỏi qua trạm ở TP. Do đó, trên thực tế lượng thịt gia súc, gia cầm “lọt lưới” các trạm kiểm dịch vẫn nhiều. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra lượng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, lợn bệnh tại các chợ tự phát vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì không có sự phối hợp với các ban, ngành của địa phương.

Theo ông Thảo, để giải quyết tình trạng lượng thịt gia súc, gia cầm “bẩn” ồ ạt vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ thì Chi cục Thú y và các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh phải phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát và kiểm tra. Nếu các địa phương làm tốt công tác này sẽ tăng cường công tác quản lý tiêu thụ gia súc, gia cầm “bẩn” tại các địa bàn lớn như TP Hồ Chí Minh, và cũng làm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng. Hiện TP có 4 trạm kiểm dịch động vật, nhưng để tránh khỏi bị kiểm tra nhiều, thương lái đã cho xe chạy vào các đường cao tốc nên Chi cục Thú y TP cũng đã thỏa thuận với một số tỉnh có vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào TP tiêu thụ khi cấp giấy chứng nhận phải ghi rõ lộ trình vận chuyển qua Trạm Kiểm dịch động vật nào và có qua đường cao tốc hay không để phối hợp kiểm tra.

Đan Phương


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN