“Việc cơi nới, xây dựng thêm hội trường tại tòa biệt thự như vậy là có được phép không, có vi phạm các quy định an toàn, vượt quá sức chịu đựng của căn nhà hay không?”, bà An đặt câu hỏi.
Theo bà An, TP Hà Nội đã có quy chế về quản lý các căn biệt thự Pháp cổ trên địa bàn. Theo đó, phân loại rõ những căn nào được bán theo Nghị định 61, biệt thự nào thì phải bảo tồn. Nếu là biệt thự bảo tồn nguyên trạng thì sẽ do cơ quan chức năng của TP quản lý, còn biệt thự đã được bán hay giao cho các đơn vị sử dụng thì trách nhiệm thuộc về các chủ sử dụng này. Ngoài ra, chính quyền địa phương nơi có biệt thự cũng phải có trách nhiệm kiểm soát quá trình cơi nới biệt thự của chủ sở hữu.
Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra về nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, có thể thấy, xung quanh căn biệt thự bị sập này có khá nhiều công trình xây dựng cao tầng. Mặt khác, quanh khu ga Hàng Cỏ (cũ) vốn có nền đất yếu. “Cần phải điều tra kỹ càng xem việc xây dựng các công trình cao tầng xung quanh tác động đến việc sập biệt thự cổ hay không”, bà Bùi Thị An đề nghị.
Dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đề nghị cần phải có sự phân loại rõ ràng giữa các biệt thự cần bảo tồn nguyên trạng và biệt thự đưa vào khai thác sử dụng. Nếu là biệt thự được giao cho các đơn vị, người dân sử dụng thì vấn đề an toàn công trình phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần kiểm tra lại hồ sơ thiết kế công trình để nắm được công trình do ai thiết kế, xây dựng từ năm nào, xây từ vật liệu gì, móng nhà làm bằng gì… Từ đó, có thể đánh giá được tuổi thọ công trình và có kế hoạch sử dụng.
Theo thống kê sơ bộ, TP Hà Nội có khoảng 1.600 căn biệt thự thời Pháp, trong đó khoảng 500 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân. Nhiều công trình bị xuống cấp mà không được tu bổ. |
“Sau vụ sập nhà này, cần rà soát lại các công trình biệt thự Pháp cổ khác để nhận diện những căn biệt thự đang bị sử dụng sai mục đích hoặc sử dụng quá tải. Chẳng hạn, căn biệt thự khi xưa người Pháp xây chỉ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho một hộ gia đình, nhưng nay, vì lý do thiếu chỗ ở mà bị cơi nới cho 5 - 6 hộ dân ở, vượt quá khả năng chịu tải của tòa nhà”, ông Chính cho hay.
Theo ông Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những biệt thự Pháp cổ cần được quản lý đặc biệt, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, chứ không chỉ dừng ở mức phường, quận như hiện nay. “Cần có một đơn vị chuyên sâu, đủ chuyên môn về kiến trúc, văn hóa để làm công tác xét duyệt cấp phép xây dựng, sửa chữa liên quan tới các biệt thự cổ và kiểm tra sát sao quá trình thực hiện của người dân”, ông Luyện đề xuất.
Bên cạnh đó, đối với những biệt thự đã được bán cho dân, vẫn cần quy định chặt chẽ về mặt bảo tồn, đi kèm các ưu đãi cần thiết cho người mua nhà cổ. Đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, dù biệt thự cổ đã được bán vẫn cần có quy chế bắt buộc đối với người mua về việc bảo tồn nhà chứ không để họ muốn làm gì thì làm trên ngôi nhà đó.