Tình trạng nhồi nhét, giành giật khách... trên các chuyến xe khách liên tỉnh vẫn diễn ra trên nhiều cung đường, gây bức xúc cho hành khách. Điều đáng nói là các xe này đều trưng biển chất lượng cao, nhưng trên thực tế chưa có tiêu chí chính thức để xác định xe thế nào là xe chất lượng cao.
Xe trưng biển chất lượng cao nhưng hành khách vẫn bị nhồi nhét. Ảnh: Lê Phú |
Tuyến đường có mật độ xe chạy khá dày và thường xuyên diễn ra cảnh giành giật nhau là Thanh Hóa - Hà Nội. Hành khách đi tuyến đường này luôn chịu cảnh xe chạy lòng vòng trong thành phố bắt khách, khi ra khỏi thành phố thì đua nhau chạy bạt mạng. Cách đây khoảng 5 năm, hành khách đi trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội chọn xe của Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội với biểu tượng màu đỏ bởi xuất phát đúng giờ. Lúc đó, tiêu chí chất lượng cao do doanh nghiệp đưa ra là: Xe chạy đúng giờ, đúng tuyến; không đón, trả khách dọc đường; có khăn, nước uống, máy lạnh; lái xe, nhân viên nhà xe mặc đồng phục... Thời gian đầu, nhà xe thực hiện khá tốt các tiêu chí, nhưng sau này, cùng với hiện tượng xe nhái xe chất lượng cao dẫn đến thật giả lẫn lộn; chất lượng dịch vụ đã giảm sút, nhiều tiêu chí không được duy trì, xảy ra hiện tượng loạn xe chất lượng cao.
Nhiều hành khách đi xe trên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội nhận xét, kể cả xe màu đỏ từng có một thời uy tín chất lượng cao giờ cũng chạy lòng vòng bắt khách. Thậm chí xe “cỏ” hiện nay cũng đề biển chất lượng cao, đánh lừa nhiều hành khách. Một hành khách kể: “Mới đây, khi đi về tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, chúng tôi thấy xe đề biển chất lượng cao, biển số 30S-33…, chúng tôi lên xe sau khi lơ xe khẳng định sắp xuất bến. Nói với khách là vậy, nhưng xe vẫn lừng khừng trước cổng bến xe, đỗ gần bến xe buýt để bắt khách. Đợi gần tiếng đồng hồ trên xe ngay trước bến xe buýt, khách trên xe sốt ruột thì lái xe đáp: Các anh chị đợi chúng tôi bắt thêm khách. Xe hòm hòm khách mới đi. Các xe khác đang chạy lòng vòng cũng vậy thôi". Trên hành trình, qua cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), các xe gắn mác chất lượng cao này bắt đầu tăng tốc "đua" với các xe khác. Lơ xe liên tục thò cổ ra ngoài tìm khách và quan sát các xe đang bám đuôi. Đó là chưa kể tình trạng những xe này kiêm luôn cả chở một số loại hàng hóa ký gửi khiến xe dừng đỗ liên tục; rồi “đè đầu” nhau để tranh khách. Khi bắt khách dọc đường, nhà xe bắt đầu nhồi nhét, lèn người vào các hàng ghế. Trên xe, nhiều phụ nữ, người sức khỏe yếu say lảo đảo. Anh Nguyễn Viết Hùng, quê Thanh Hóa đưa em đi thi ĐH dịp vừa qua kể: Dịp thí sinh đi thi không có cảnh chạy lòng vòng bắt khách nhưng nhà xe nhồi nhét khách. Xe 30 chỗ nhưng lèn tới hơn 60 khách. Giá vé cũng tăng vô tội vạ. Chặng Thanh Hóa - Hà Nội ngày thường chỉ khoảng 80.000 đồng/người nhưng dịp đông khách, họ đòi 200.000 đồng/người.
Không chỉ tuyến Thanh Hóa - Hà Nội mà hầu hết các xe liên tỉnh đều trong tình trạng tương tự. Đại diện Hiệp hội Vận tải cho biết: Phải thừa nhận, khi mới ra đời, xe khách có mác chất lượng cao đã làm thay đổi một phần diện mạo dịch vụ vận tải hành khách bằng đường bộ. Một số thương hiệu vận tải hành khách gắn với tiêu chí chất lượng cao được hành khách ưa chuộng nhưng chỉ một thời gian cạnh tranh với xe nhái chất lượng cao và việc không kiểm soát được chất lượng phục vụ giảm sút, nên nhiều tiêu chí chất lượng cao đặt ra không được duy trì. Thế nên, chỉ vài năm sau, xe khách chất lượng cao giảm sút uy tín và không còn tồn tại. Việc những hành khách hiện nay vẫn còn nhầm tưởng xe khách chất lượng cao đang hoạt động cho thấy hiệu ứng tốt của loại dịch vụ vận tải này. Hiện nay các xe vẫn treo biển “xe chất lượng cao” chủ yếu là xe tư nhân. Do kinh doanh đơn lẻ nên họ phải chạy lòng vòng bắt đủ cơ số khách mới chạy, nếu không họ sẽ bán khách, gom khách cho xe chạy "nốt" liền kề. Số xe này chủ yếu dành cho khách thu nhập thấp và có thói quen bắt xe dọc đường.
Trên thị trường vận tải hành khách hiện nay còn xuất hiện loại xe gắn với những tên gọi như: Xe giường nằm cao cấp; xe cao cấp... Sự "cao cấp" này không do cơ quan quản lý nào đặt ra và cũng chẳng gắn với tiêu chí nào. Tên gọi này chủ yếu không bị đánh đồng với xe “chất lượng cao”.
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, tình trạng cạnh tranh bát nháo trên một số tuyến là do các doanh nghiệp (DN) vận tải tư nhân nhỏ lẻ thực hiện. Trên thực tế, những DN quy mô lớn họ làm rất bài bản, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ và chỉ có những doanh nghiệp lớn mới có đủ điều kiện làm được. Về lâu dài, các DN vận tải đường bộ phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại phải có quy mô nhất định về số lượng phương tiện. Để bảo vệ hành khách, các ngành chức năng như bến xe, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông xử lý nghiêm việc nhái thương hiệu uy tín, đối xử bất công với hành khách.
Hành khách nên tập cho mình thói quen vào bến mua vé, hỏi kỹ các thông tin dịch vụ, chọn hãng xe uy tín bởi hiện nay nhiều DN vận tải uy tín có quy định không bắt khách dọc đường và kiểm soát chặt một số tiêu chí dịch vụ để không lặp lại tình trạng loạn xe chất lượng cao.
Xuân Minh