Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã vùng cao Ea Lâm thuộc huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư xây dựng từ năm 1999, để phục vụ cho 1.500 người dân vào thời điểm đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Êđê. Tuy nhiên từ năm 2005 đến nay, mặc dù đã nhiều lần nâng cấp, sửa chữa với kinh phí hơn 5 tỷ đồng, nhưng công trình cấp nước sinh hoạt này không phát huy tác dụng.
Sai phạm của chủ đầu tư
Ngoài những sai phạm trong quá trình nâng cấp, sửa chữa, chủ đầu tư còn không tuân thủ quy trình vận hành theo hồ sơ thiết kế được duyệt; không sử dụng hệ thống máy bơm và tủ biến tần để tăng khả năng cấp nước, mà xả từ đài nước để cấp trực tiếp; không vận hành hệ thống và máy bơm từ 15 – 20 giờ/ngày đêm theo thiết kế, mà chỉ hoạt động 12 giờ/ngày đêm, dẫn đến thiếu nước. Mặt khác, trong quá trình sửa chữa, nâng cấp công trình giai đoạn 2008 – 2009, đã đầu tư các hạng mục tại hồ Ea Lâm 2 để bổ sung nguồn nước, nhưng không mang lại kết quả. Hậu quả công trình không đảm bảo cấp nước, dẫn đến phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và khắc phục sửa chữa vào năm 2010.
Một cột cung cấp nước sạch trước nhà dân nhưng không có nước để sử dụng. |
Việc đơn vị tư vấn tính toán công suất cấp nước của hệ thống đến năm 2023 với định mức 60 lít/người/ngày đêm là không phù hợp với TCVN 33 – 2006 được Bộ Xây dựng ban hành. Vì theo tiêu chuẩn đến năm 2020, định mức cấp nước cho mỗi người dân là 100 lít/người/ngày đêm.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn tự ý mở rộng mạng cấp nước mới với hơn 1.000 mét ống nằm ngoài hệ thống mạng cấp nước đã có trước đây; không kiểm tra, đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu theo quy định, dẫn đến nhà thầu được chỉ định là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Tiến Phát không đủ năng lực thực hiện, phải liên doanh với Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Xây dựng 579…
Kết quả kiểm tra của Tổ công tác liên ngành UBND tỉnh do ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT làm tổ trưởng cho thấy, khi mở toàn hệ thống mạng (không điều tiết), công trình không đảm bảo cung cấp nước cho tất cả các buôn.
Hiện tại, mặc dù đã đấu nối cấp nước cho 438 hộ trong số 527 hộ, nhưng phần lớn người dân không sử dụng nguồn nước này để ăn uống, mà chỉ để tắm giặt, đó là chưa nói đến một số khu vực không có nước, hay lượng nước thất thoát lớn. Điển hình như các hộ dân nằm phía bên trái đường đi buôn Bưng B và 40 hộ ở buôn Bai không có nước; một số hộ nằm cuối buôn Bưng B có nước, nhưng nhỏ giọt.
Ngoài ra, theo phản ánh của người dân thì họ hoàn toàn không biết thời gian cấp nước để sử dụng; một số hộ ở buôn Bưng B từ 2 đến 3 ngày mới được cấp nước một lần…
Kiến nghị giải pháp khắc phục
Qua kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả công trình, Tổ công tác đã đưa ra nhiều giải pháp đề xuất khắc phục, trong đó cho phép chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực để tính toán, kiểm tra lại áp lực cấp nước trên toàn hệ thống mạng.
Theo đó, mọi chi phí thực hiện, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tự chi trả; cho phép lắp đặt đồng hồ tổng tại các vị trí nhánh rẽ cấp nước cho các buôn. Vấn đề này đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ký cam kết, chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và Sở NN & PTNT về khối lượng, chất lượng khắc phục sửa chữa, mở rộng mạng cấp nước mà nhà thầu đã thực hiện; chịu trách nhiệm thay thế, sửa chữa các tuyến ống thi công mới cho đến cuối năm 2012.
Đối với chủ đầu tư, Tổ công tác liên ngành kiến nghị cần kiểm điểm các cá nhân có liên quan trong sửa chữa nâng cấp công trình năm 2009; khảo sát đánh giá hiện trạng và khắc phục sửa chữa năm 2010; công tác quản lý, khai thác, vận hành và khắc phục hư hỏng, điều tiết cấp nước cho người dân; phối hợp với UBND huyện Sông Hinh và xã Ea Lâm khắc phục các sự cố công trình; tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, gìn giữ công trình và sử dụng nước hợp lý…
Thế Lập