Cần coi trọng công tác xóa bỏ và thay thế cây có chất ma túy

Trước hết, phải khẳng định những kết quả mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy trong suốt gần một phần tư thế kỷ qua là rất đáng trân trọng, phản ánh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực liên tục của các cấp các ngành, đặc biệt là chính quyền và nhân dân ở những vùng có bề dày lịch sử trồng và tái trồng cây thuốc phiện.

Cây anh túc. Ảnh: dantri.com.vn


Từ một nước đứng thứ 3 trong khu vực Đông nam Á về trồng cây thuốc phiện, với diện tích thống kê được vào năm 1992 là trên 19.000 héc ta, trong gần chục năm trở lại đây Việt Nam đã tự hào tuyên bố với thế giới là một nước cơ bản xóa được cây thuốc phiện.

Mỗi năm, toàn bộ diện tích trồng mới và tái trồng cây có chất ma túy trên phạm vi cả nước chỉ còn vào khoảng trên dưới 50 héc ta. Trong số đó, đại bộ phận được phát hiện ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh, khu vực giáp ranh ít người qua lại.

Không chỉ diện tích trồng mới và tái trồng liên tục được kiềm chế ở mức thấp, số hộ, số đối tượng có hành vi tái trồng cũng giảm đáng kể qua từng năm. Số đối tượng tái phạm nhiều lần, cần áp dụng các biện pháp xử phạt hình sự cũng chỉ là cá biệt.

Nhiều nước trong khu vực cũng đặt mục tiêu xóa bỏ cây thuốc phiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy của họ và đầu tư khoản tiền khổng lồ cho công tác này song hàng năm diện tích tái trồng vẫn còn phát hiện giao động từ vài trăm héc ta tới vài trăm ngàn héc ta.

Trong điều kiện kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, việc đầu tư cho công tác xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy chưa thể đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và tất nhiên còn rất thấp nếu so sánh với các nước khác trong khu vực. Trong rất nhiều yếu tố dẫn đến thành công, yếu tố quan trọng nhất phải kể đến chính là việc các cấp, các ngành đã chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục và phổ biến pháp luật nhằm giúp nâng cao nhận thức về tác hại của các chất ma túy và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận đáng kể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Chính từ việc thấm nhuần chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ trong lĩnh vực này mà phần đông đồng bào các khu vực còn tiềm ẩn nhu cầu tái trồng cây có chất ma túy đã tự nguyện cam kết không tái trồng cây có chất ma túy và tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế – xã hội như: tái định cư, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn mới... được lồng ghép nhằm tạo sự phát triển bền vững trên địa bàn này.

Yếu tố nữa không kém phần quan trọng chính là sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong suốt thời điểm thích hợp cho việc phát triển cây có chất ma túy đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi tái trồng và triệt xóa kịp thời không để cho thu hoạch nhựa.

Tham gia vào một số đoàn công tác của các địa phương thực hiện nhiệm vụ xóa cây thuốc phiện chúng tôi mới phần nào hiểu và cảm thông với những khó khăn, gian khổ mà các cán bộ trong đoàn công tác phải đối mặt. Không tính đến sự mệt mỏi về thể xác tích tụ trong nhiều ngày lội suối, trèo đèo, những ngày sống cầm hơi bằng mỳ tôm, lương khô mà còn cả sự đe dọa về tính mạng, sự khủng bố về tinh thần do không phải tất cả đồng bào ai cũng hiểu được mục đích cao cả của đoàn công tác.

Chuyện nhận được ánh mắt hận thù, sự bất hợp tác từ một số người (chắc là có liên quan đến việc trồng cây có chất ma túy) là điều rất bình thường do họ nghĩ đoàn đến là làm mất đi một nguồn thu của họ.

Tuy nhiên, thật có lỗi nếu chỉ phản ánh một phía của công tác này. Thực tế cho thấy, diện tích tái trồng ở nước ta hàng năm phát hiện không lớn song lại xuất hiện ở nhiều tỉnh hơn so với thời gian trước. Năm ngoái, ở mức độ nhiều ít tuy có khác nhau song ở hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc đều phát hiện tình trạng trồng và tái trồng cây có chất ma túy.

Nhiều tỉnh trong thời gian dài không còn hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện nay tái xuất hiện trở lại như Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa hoặc ở ngay huyện ngoại thành Hà Nội. Địa điểm tái trồng có khi xuất hiện không xa cơ quan chính quyền địa phương, trồng trong tầng hầm, nhà kính, bồn cây cảnh ở một số hộ dân trong thành phố...

Trong số người tham gia trồng có cả người Kinh, là điều không có trước đây. Động cơ trồng cũng rất đa dạng. Không chỉ để lấy nhựa hút mà là để lấy cây, rễ, quả để ngâm rượu hoặc làm thuốc... Chỉ ngần ấy nguyên nhân, thực trạng trong bức tranh trồng và tái trồng cây có chất ma túy cũng đủ thấy mức độ phức tạp của vấn đề.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế suy thoái trên diện rộng, rất có thể tội phạm ma túy sẽ tăng cường lôi kéo người dân vào hành vi phạm pháp này. Việc gia tăng trở lại ở mức báo động tình hình tái trồng cây có chất ma túy ở các nước láng giềng như Myanma, Lào do tác động của suy thoái kinh tế thiết tưởng cũng là bài học quý báu cho Việt Nam trong công tác này.

Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015 của Chính phủ, không còn một dự án độc lập về xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy như các giai đoạn trước. Điều này không có nghĩa là nội dung công tác xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy sẽ bị xem nhẹ.

Công tác xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy sẽ tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, Ủy ban dân tộc và chính quyền địa phương, nhất là các địa phương còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái trồng. Đầu tư cho hoạt động này sẽ được lồng ghép vào hoạt động của dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”.

Công tác xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy chắc chắn còn cần nhiều nỗ lực và trong một thời gian dài hơn nữa song hiểu đúng thực trạng tình hình sẽ giúp chúng ta không chủ quan, nóng vội và đưa ra các định hướng đúng đắn trong tương lai.


Tạ Đức Ninh
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN