Tại tỉnh Đắk Lắk, việc triển khai thực hiện Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn nhiều bất cập.
Qua 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 304, toàn tỉnh Đắk Lắk mới có 8.577,7 ha rừng được giao cho 1.209 hộ gia đình, 7 cộng đồng thôn, buôn người dân tộc thiểu số tại chỗ của 4 huyện Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Ana, Ma Đ’Rắk; đạt 32% kế hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, nguyên nhân cơ bản đạt kế hoạch thấp là do đồng bào không “mặn mà” với rừng được giao; rừng giao cho hộ gia đình, cộng đồng chủ yếu là rừng nghèo kiệt, khó bảo vệ; công tác cấp phát vốn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn quá chậm; các cơ chế, chính sách hưởng lợi từ Quyết định 304 chậm triển khai hoặc triển khai nửa vời, cầm chừng.
Cụ thể, theo Quyết định 304, đối tượng tham gia nhận khoán, quản lý bảo vệ rừng, ngoài chính sách hưởng lợi sản phẩm gỗ theo chu kỳ kinh doanh còn được hưởng các chính sách khác như: Được hỗ trợ cây giống trồng lại rừng, sản xuất nông, lâm kết hợp, được trợ cấp 10 kg/khẩu/tháng nếu là hộ gia đình nghèo thiếu đói. Các hộ gia đình thuộc diện 132, 134 (hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất, thiếu nhà ở) còn được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở, 5 triệu đồng/ha để khai hoang diện tích đất sản xuất và 400.000 đồng/hộ để xây dựng bể nước sinh hoạt... Tổng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho Đắk Lắk thực hiện Quyết định 304 là 13 tỷ đồng.
Thế nhưng, các chế độ, chính sách này đồng bào chưa được thụ hưởng bao nhiêu vì chủ yếu vẫn còn nằm trên bàn giấy của các địa phương nên không giải ngân được, hàng năm đều trả lại nguồn vốn cho Nhà nước. Từ năm 2006 đến nay, các địa phương mới giải ngân được trên 814 triệu đồng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được giao rừng, khoán bảo vệ rừng, chủ yếu là hỗ trợ gạo, cây giống, còn các khoản hỗ trợ khác thì không triển khai thực hiện.
Quang Huy