Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Những doanh nhân cựu chiến binh

Ở độ tuổi không còn trẻ, những tưởng các cựu chiến binh sẽ nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến nhưng họ lại “khởi nghiệp” rất thành công. Họ là những người lính không ngừng “chiến đấu” trên các mặt trận để cống hiến cho đời. Việc làm của họ không chỉ đã đóng góp về kinh tế mà còn thể hiện nghĩa tình với đồng đội.

Ông Khương Văn Thuấn (60 tuổi) từng là một chuyên gia kỹ thuật của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Sau khi về hưu ông thường bị một số căn bệnh “tuổi già” hành hạ. Ông đã khắc phục bệnh tật và nghiên cứu, học hỏi để nuôi cấy và sản xuất đông trùng hạ thảo bằng công nghệ sinh học, “khởi nghiệp” bằng cách lập Công ty TNHH công nghệ sinh học TVT (Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh).

Hết bệnh và khởi nghiệp

Nhắc đến đại tá Khương Văn Thuấn, giới doanh nhân cựu chiến binh tại Thành phố Hồ Chí Minh đều biết bởi ông hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Cựu chiến binh, cựu quân nhân làm kinh tế (Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh). Gần 40 năm trong quân ngũ, những năm gần về hưu, sức khỏe đại tá Khương Văn Thuấn không tốt. Ông bị thiếu máu cơ tim, mỡ máu cao, huyết áp cao và bệnh gút.

Ông Khương Văn Thuấn cùng kỹ sư kiểm tra quy trình sản xuất tại phòng nuôi trồng đông trùng hạ thảo của Công ty. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Đại tá Khương Văn Thuấn tâm sự, căn bệnh gút khiến ông bị đau chân tay, di chuyển lên xuống cầu thang rất vất vả. Trong khi đó, bệnh thiếu máu cơ tim khiến ông thường xuyên phải chịu các cơn đau ngực vào ban đêm. Năm 2014, khi về hưu, có thời gian rảnh, ông đã tìm giải pháp từng bước vượt qua bệnh tật.

Với quyết tâm của một người lính, ông Thuấn đã lên mạng tìm tòi, đọc các bài báo khoa học và nhận thấy đông trùng hạ thảo đang được người dân nhiều nước sử dụng. Ông đã đi tìm hiểu thực tế tại Tây Tạng và mua được 10g đông trùng hạ thảo với giá gần 18 triệu đồng. Ông sử dụng trong một thời gian ngắn đã thấy sức khỏe chuyển biến tốt. Tuy nhiên, như ông trăn trở, với cái giá cao “ngất ngưởng” như thế, ông sẽ khó có đủ khả năng mua để uống thường xuyên.

Ông Khương Văn Thuấn cho biết, lúc đó ông chỉ nghĩ sẽ học cách nuôi đông trùng hạ thảo để sử dụng cho mình và người thân, không nghĩ sẽ trở thành một doanh nghiệp như hiện nay. “Tôi đã đi qua Nhật Bản, Thái Lan để học hỏi cách nuôi trồng đông trùng hạ thảo, tìm hiểu thêm các tư liệu liên quan. Khi về Việt Nam, tôi tiếp tục tìm đến các nơi nuôi trồng đông trùng hạ thảo khác để học hỏi kinh nghiệm và mua về dùng, thấy công dụng cũng rất tốt”, ông Khương Văn Thuấn cho hay.

Chính từ đó, đại tá Khương Văn Thuấn đã nhận chuyển giao công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường (Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh) với chủng giống của Nhật Bản. Ngoài ra, ông cũng nhận được sự tư vấn của các chuyên gia để nuôi trồng và hoàn thiện sản phẩm đông trùng hạ thảo.

Ông Khương Văn Thuấn giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Công nghệ sinh học TVT, tại một Hội nghị về Nông nghiệp Công nghệ cao tháng 9/2017. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Ông Thuấn đã quyết định cùng hai người bạn khác thành lập Công ty TNHH Công nghệ sinh học TVT. Theo ông Thuấn, khó khăn nhất lúc đó là công nghệ. Dù đã đi tham khảo ở nhiều nơi nhưng bản thân mình phải nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp. Ban đầu sản phẩm đông trùng hạ thảomà ông nuôi trồng được chỉ để sử dụng trong gia đình. Sau đó thấy công hiệu và có khả năng phát triển nên ông đã quyết định thương mại hóa sản phẩm từ cuối năm 2015.

“Các sản phẩm tự nhiên rất đắt và tìm mua không dễ. Đôi khi vừa mất tiền vừa mua phải hàng không đảm bảo chất lượng. Bây giờ Việt Nam đã nghiên cứu và nuôi trồng thành công, giúp người dân mua được đông trùng hạ thảo với giá phù hợp, lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lại được kiểm nghiệm đầy đủ, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành”, ông Khương Văn Thuấn chia sẻ.

Vị giám đốc công nghệ

Sau khi nhận chuyển giao công nghệ thành công, đại tá Khương Văn Thuấn cùng cộng sự và đội ngũ kỹ sư công nghệ sinh học của công ty, được đào tạo chuyên sâu từ các trường đại học đã nỗ lực làm việc để có thể cho ra những mẻ đông trùng hạ thảo thực sự chất lượng, có dược chất cao. Hiện doanh thu hàng tháng của công ty mới chỉ đạt trên 500 triệu/tháng, nhưng đó là niềm đam mê, tâm huyết của người lính sau khi rời quân ngũ.

“Lúc đó tôi mừng không diễn tả được, bởi chỉ một thời gian ngắn chúng tôi đã đi được một quãng đường rất dài. Sản phẩm của công ty đã có cơ hội phát triển và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận sản phẩm đông trùng hạ thảo với giá thành thấp và hiệu quả khá tốt. Tất nhiên, so với loại đông trùng hạ thảo tự nhiên rất khan hiếm thì sản phẩm được nuôi trồng có một số hoạt chất không bằng tự nhiên nhưng cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu”, ông Khương Văn Thuấn nói.


Từng là chuyên gia kỹ thuật của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, bước vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và kinh doanh khi tuổi không còn trẻ, đại tá Khương Văn Thuấn vẫn gặt hái được thành công . Không chỉ vậy, ông còn tạo điều kiện cho nhân viên nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công nghệ sinh học. Hiện nay, các kỹ sư nông nghiệp tại Công ty TNHH công nghệ sinh học TVT phần lớn đều khá trẻ, gắn bó với công ty từ ngày đầu.

Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm, Trịnh Thị Thu (25 tuổi) đã được ông Khương Văn Thuấn nhận về làm tại Công ty TNHH công nghệ sinh học TVT. Kỹ sư Trịnh Thị Thu chia sẻ: "Vừa ra trường có việc làm ngay là niềm vui của mình. Nhưng quan trọng hơn, môi trường làm việc ở đây tốt. Tôi được chú Thuấn tạo điều kiện cho nghiên cứu, thử nghiệm các giống mới, môi trường mới để phát triển bản thân. Chú Thuấn đã đi tìm và mua thêm các giống bên Nhật Bản, Thái Lan về để chúng tôi nghiên cứu. Đó là sự hạnh phúc của những người làm khoa học".

Không chỉ tập trung vào sản phẩm đông trùng hạ thảo, với tư duy đổi mới sáng tạo, Công ty TNHH công nghệ sinh học TVT đã nghiên cứu nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu khác. Trong đó, dự án khởi nghiệp “Nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu (nấm mối đen, nấm hầu thủ, nấm milky)” của Công ty TNHH công nghệ sinh học TVT đã được chọn là một trong 14 dự án được hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 (Speedup) của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí 1 tỷ đồng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: "Các cựu chiến binh đã phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, nghị lực của người chiến sỹ cách mạng để đoàn kết, sáng tạo, giúp nhau vượt khó, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Trong những năm qua, cựu chiến binh thành phố đã phát huy tốt vai trò này, không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mình mà còn góp phần tạo việc làm cho đồng đội, con em cựu chiến binh”.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương nhấn mạnh: “Thời gian qua, những cựu chiến binh của thành phố như Đại tá Khương Văn Thuấn hay ông Huỳnh Văn Duyên đã tích cực áp dụng khoa học, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh. Đây là những minh chứng cho thấy cựu chiến binh thành phố rất hiểu tầm quan trọng của việc phải luôn cố gắng để bắt nhịp với cuộc sống, luôn nỗ lực học hỏi, làm quen với cái mới, tiến bộ để không bị tụt hậu với thời cuộc, để mãi xứng đáng với danh hiệu Anh bộ đội Cụ Hồ”.

Xuân Khu – Tiến Lực (TTXVN)
Những doanh nhân cựu chiến binh - Bài 1: Khởi nghiệp ở tuổi...'lên lão'
Những doanh nhân cựu chiến binh - Bài 1: Khởi nghiệp ở tuổi...'lên lão'

Ở độ tuổi không còn trẻ, những tưởng các cựu chiến binh sẽ nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến nhưng họ lại “khởi nghiệp” rất thành công. Họ là những người lính không ngừng “chiến đấu” trên các mặt trận để cống hiến cho đời. Việc làm của họ không chỉ đã đóng góp về kinh tế mà còn thể hiện nghĩa tình với đồng đội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN