Cây dâu tây "nhập cư" về các bản Tân Quế, Xuân Quế, Nong Quỳnh, tiểu khu Huổi Dương, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã nhiều năm nay. Dâu được trồng trên những triền đồi thoai thoải, trải rộng mênh mông quanh những nếp nhà, thay thế cây ngô, cây mía và cây sắn trước đây.
Những ngày đầu đem giống về trồng thử, người dân ở đây không nghĩ rằng dâu tây lại phù hợp với mảnh đất này đến thế. Sự ưu đãi của thiên nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đã giúp dâu tây phát triển tốt, quả chín có vị ngọt thanh, căng mọng, mẫu mã bắt mắt, được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp tại nhiều tỉnh thành trong nước, có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội. Loại cây này đang từng bước khẳng định giá trị kinh tế qua từng mùa quả ngọt.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nga, ở khu Tân Thảo, xã Cò Nòi có hơn 1 ha trồng cây dâu tây. Trước đây, diện tích đất này gia đình chị chủ yếu trồng ngô, sắn, nhưng thu nhập hàng năm bấp bênh, không đảm bảo. Dù mới trồng loại cây dâu tây trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại đã thay đổi rõ rệt.
Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ, nếu thời tiết thuận lợi thì hai ngày sẽ thu hái quả một lần. Trung bình mỗi lần thu được khoảng 1,8 tạ đến 2 tạ, với mức giá hiện nay dao động từ 150 - 200 nghìn đồng thì thu nhập đạt khoảng 30 triệu đồng/ngày. Tính chung toàn vụ gia đình chị có mức thu nhập trên 1,5 tỷ đồng. Dự kiến, trong vụ tiếp theo gia đình chị sẽ mở rộng diện tích trồng dâu lên 3 ha.
Cây dâu tây được trồng ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn bắt đầu từ khoảng tháng 4 hàng năm. Thời điểm cho thu hoạch quả bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đây được đánh giá là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Bà Nguyễn Thị Lan, xã Cò Nòi cho hay, hiện 1 ha dâu tây của gia đình bà cho sản lượng quả khoảng 10 - 12 tấn/vụ. Với mức giá như hiện nay thì mang lại thu nhập khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng. Ngoài bán quả, cây dâu tây còn mang lại thu nhập cho người trồng từ việc bán giống. Vì thế, các hộ dân còn có nguồn thu nhập rất cao từ việc bán cây giống, trung bình mỗi vụ đạt khoảng 500 triệu đồng.
Cây dâu tây được đưa vào trồng tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn từ năm 2016, đến nay đã hình thành vùng chuyên canh rộng lớn với sự tham gia của hàng trăm hộ dân và nhiều hợp tác xã. Thông qua các hợp tác xã, đã tạo sự liên kết và giúp bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trồng dâu tây trong vùng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã rau quả Hưng Thịnh thông tin, hiện nay hợp tác xã có 10 thành viên với 12 ha canh tác, trung bình mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn dâu tây thuộc giống Hana. Đến nay, vườn dâu tây của các thành viên trong hợp tác xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn, chất lượng, hợp tác xã đã ứng dụng phương pháp chăm sóc hữu cơ, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Hiện dâu tây của các thành viên trong hợp tác xã thu hái đến đâu thì bán hết ngay đến đó, không bị tồn đọng.
Với tổng diện tích trên 230 ha, xã Cò Nòi hiện là vùng trồng dâu tây lớn nhất tỉnh Sơn La. Để đảm bảo năng suất, chất lượng các hộ trồng dâu tây đã thực hiện quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao và đưa giống mới của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản vào canh tác.
Ông Phạm Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho biết, trên địa bàn xã hiện có 6 hợp tác xã chuyên về sản xuất dâu tây. Xã đã tập trung hỗ trợ cho các hợp tác xã để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, giúp cho các hợp tác xã có điều kiện phát triển, là cơ sở để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân trên địa bàn.
Đồng thời, hướng đến hợp tác xã là những đầu mối để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, xã hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu dâu tây Mai Sơn, thực hiện đăng ký bảo hộ sản phẩm và đưa sản phẩm dâu tây thành sản phẩm OCOP của của địa phương.