TP Hồ Chí Minh: Giá bình ổn thấp hơn thị trường ít nhất 10%

Chiều 9/4, Sở Công Thương, Sở Tài chính và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã công bố Chương trình bình ổn giá cho 10 nhóm hàng hóa. Theo đó, các mặt hàng gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng, rau, củ, thủy hải sản đông lạnh sẽ được bán với giá bình ổn, thấp hơn thị trường ít nhất 10%. Thời gian thực hiện từ ngày 9/4/2011 đến hết 31/3/2012.

Tăng lượng hàng bình ổn

So với cùng kỳ năm trước, lượng hàng bình ổn giá năm nay trên địa bàn TP.HCM được điều chỉnh tăng lên khá cao. Cụ thể: Gạo nếp 5.500 tấn, đường RE 2.100 tấn, dầu ăn 800 tấn, thịt heo 3.615 tấn, thịt gia cầm 1.750 tấn, trứng gia cầm 18 triệu quả, thực phẩm chế biến 1.010 tấn, rau, củ, quả 1.430 tấn, thủy, hải sản 165 tấn/tháng.

Khách hàng mua hàng bình ổn giá tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu. Ảnh: Kim Phương-TTXVN.


Như vậy, với phương án giá được Sở Tài chính phê duyệt, gạo trắng thường 5% tấm sẽ được bán với giá 10.500 đồng/kg (thấp hơn 15,2% so với giá được Cục Thống kê công bố), đường RE có giá 21.500 đồng/kg, dầu ăn giá 35.000 đồng/lít loại thường và 38.700 đồng/lít đối với loại có dùng chất chống kết tủa. Thịt heo đùi có giá 75.000 đồng/kg, thịt ba rọi ở mức 80.000 đồng/kg. Gà ta nuôi công nghiệp sẽ bán với giá bình ổn là 90.000 đồng/kg, gà thả vườn giá 54.000 đồng/kg với sản phẩm do Công ty Phạm Tôn cung cấp và 57.000 đồng/kg đối với hàng do Công ty San Hà, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp hợp tác xã thương mại thành phố - Saigon Co.op và Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ; thịt gà công nghiệp có giá 41.000 đồng/kg; thịt vịt ở mức 57.500 đồng/kg. Nhóm hàng trứng gia cầm có giá 22.500 đồng/chục đối với trứng gà loại 1 và 27.500 đồng/chục đối với trứng vịt loại 1. Nhóm hải sản đông lạnh với cá basa phi lê loại gói 250g; basa cắt miếng loại gói 500g và basa cắt khúc loại gói 500g có giá lần lượt là 17.600 đồng, 30.400 đồng và 25.400 đồng. Riêng mặt hàng rau, củ, quả sẽ điều chỉnh theo tình hình nguồn cung, thời vụ và đảm bảo thấp hơn thị trường 10%.

Đối với nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến, Sở Tài chính vẫn chưa công bố giá bán do nhóm hàng này rất đa dạng, có nhiều thương hiệu trên thị trường. Do đó, khó có thể so sánh giá với sản phẩm tương đương cùng chủng loại. Sở Tài chính sẽ quyết định giá sau khi tính toán lại với bảng kê khai cơ cấu giá thành doanh nghiệp đã gửi.

Dược phẩm cũng được bình ổn

Bên cạnh việc bình ổn giá 10 nhóm mặt hàng thực phẩm thiết yếu, UBND TP.HCM cũng đẩy mạnh thực hiện bình ổn 10 nhóm mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố trong năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012. Số lượng thuốc tham gia bình ổn thị trường chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm. Theo đó, dược phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn gồm 10 nhóm thuốc sản xuất trong nước, trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều.

10 nhóm hàng thực phẩm thiết yếu có giá bình ổn thấp hơn thị trường ít nhất 10%.


Cụ thể: Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm; nhóm trị ho; nhóm nhỏ mắt; nhóm trị đau dạ dày; nhóm trị tiêu chảy; nhóm tim mạch; nhóm trị tiểu đường; nhóm kháng sinh – sulfamid và nhóm kháng viêm corticoid sẽ được bán ở 600 trên tổng số 2.100 nhà thuốc đạt chuẩn GDP trên địa bàn thành phố (trong đó, có 94 nhà thuốc ở bệnh viện, 203 nhà thuốc của 4 doanh nghiệp tham gia chương trình (Công ty Glomed, Công ty Euvipharm, Công ty Domesco và Công ty dược 3/2 – F.T.Pharma) và khoảng 300 nhà thuốc tư nhân có cam kết với Sở Y tế). Giá thuốc được niêm yết tại các cửa hàng trên với loại giảm đau, hạ sốt có giá từ 210 - 987 đồng/viên, trị ho có giá từ 78 - 648 đồng/viên, trị đau dạ dày 78 - 800 đồng/viên, thuốc tim mạch từ 315 - 7.900 đồng, trị tiểu đường từ 672 - 1.050 đồng, kháng sinh từ 250 - 8.400 đồng…

Bên cạnh 4 doanh nghiệp trên, Sở Y tế cũng đang xem xét điều kiện của các doanh nghiệp dược khác đã đăng ký tham gia bình ổn. Theo đó, các doanh nghiệp này phải có đủ điều kiện cung ứng thuốc cho thị trường với số lượng lớn, xuyên suốt, đủ khả năng để tạo nguồn hàng phục vụ bình ổn. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải cam kết về giá bán thuốc bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10% và được sự chấp thuận của Sở Y tế. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn, các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán. Với thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá bán tương ứng.

Sở Tài chính cho hay, mức vốn thực hiện bình ổn giá thuốc thiết yếu năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012 là 9 tỷ đồng.

Hải Yên

TP Hồ Chí Minh đưa hàng bình ổn đến người thu nhập thấp
TP Hồ Chí Minh đưa hàng bình ổn đến người thu nhập thấp

Ngày 6/4, tại Hội nghị của UBND TP Hồ Chí Minh tổng kết chương trình bình ổn giá giai đoạn 2002 – 2010 và nhiệm vụ bình ổn giá giai đoạn 2011 – 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN