Tại hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020” do Học viện Tài chính (Viện Kinh tế – Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 3/1 ở Hà Nội, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.
CPI tăng thấp nhất trong 3 năm
Theo báo cáo từ Viện Kinh tế – Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018 (đạt thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4%). Đây cũng là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 tăng 2,01% so với bình quân năm 2018.
Theo ông Nguyễn Bá Minh,Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, CPI bình quân năm tăng do giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng hồi tháng 3/2019, các địa phương điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, làm giá dịch vụ y tế tăng 4,65%. Yếu tố này tác động đến CPI chung tăng 0,18%. CPI bình quân tăng có do việc tăng giá học phí, giá sách giáo khoa, tăng lương tối thiểu… Bên cạnh đó, các yếu tố về thị trường, như giá nhóm hàng thực phẩm tăng 5,08%; giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng 1,79%, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,02% và một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt, thép… cũng tác động tới chỉ số giá.
Đánh giá về kết quả trên, theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), kết quả kiểm soát chỉ số giá năm 2019 có ý nghĩa lớn xét trong bối cảnh nhiều áp lực lên lạm phát như: chi tiêu tiêu dùng khá cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 11,86%; giá điện, giá dịch vụ y tế, giá học phí và đặc biệt là giá thịt lợn tăng mạnh. Tuy nhiên, đáng lo ngại là CPI lũy kế so với tháng 12/2019 cao nhất từ 2014, cùng với đó, lạm phát cơ bản bình quân cũng cao nhất từ 2014 và đã vượt ngưỡng 2%.
“Có được chỉ số CPI dưới 4%, phải kể đến việc Chính phủ đã kiên trì thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, tín dụng được kiểm soát tốt, không tăng trưởng quá nóng, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục giúp ổn định tỷ giá”, ông Phương nói.
Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường
Năm 2020, nhiều chuyên gia dự báo, giá cả hàng hóa thế giới có thể tăng trở lại sau khi đã giảm vào năm 2019. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam ở mức tương đối cao 6,8% trong khi mô hình tăng trưởng chưa đổi mới căn bản, vẫn chủ yếu dựa trên tăng các nhân tố đầu vào trong đó có vốn – yếu tố gây sức ép lên lạm phát. Ngoài ra, CPI lũy kế năm 2019 so với tháng 12/2018 cao nhất kể từ 2014 (5,23%), giá cả các mặt hàng tăng cao… Điều này sẽ khiến cho mục tiêu CPI năm 2020 đạt dưới 4% khó hoàn thành nếu không có các giải pháp để giảm thiểu yếu tố bất lợi.
Theo ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, sau cú sốc giá thịt lợn tăng mạnh hồi quý IV/2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắc khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng giảm từ mức trên 5%, nhưng việc mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc nhiều vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Độ cho hay, trường hợp xấu nhất, nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020, thì việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, đặc biệt là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.
Tuy nhiên, trong trường hợp tỷ giá được dự báo chỉ dao động quanh mức 1% trong năm 2020 nhờ nguồn cung dồi dào, dự trữ ngoại hối lớn và quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tỷ giá thận trọng thì CPI được dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% trong năm 2020.
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, năm 2020, ảnh hưởng của dịch tả lợn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp nên giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục tăng những tháng đầu năm 2020; giá các dịch vụ y tế, giáo dục, đất… dự kiến tăng. Do vậy, để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4%, việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần phải tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Bộ Tài chính kiến nghị không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước định giá vào quý I và thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, nhất là với các mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống…
"Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu, có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào cuối năm để hạn chế tăng giá….", đại diện Cục Quản lý giá kiến nghị.
Ông Lê Quốc Phương cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách kiềm chế lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, có thể nhập khẩu nếu cần để tránh tăng giá đột biến, đặc biệt là với mặt hàng thịt lợn… Về lâu dài, cần có các biện pháp hạn chế thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và bất ổn thị trường; chuyển nền kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng (chủ yếu dựa trên các yếu tố đầu vào – vốn, lao động, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo, trình độ công nghệ cao…