Để doanh nghiệp bán lẻ trở thành địa chỉ tin cậy

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 400 siêu thị, dù mới chiếm 18 - 20% thị phần bán lẻ song tương lai của kênh kinh doanh thương mại văn minh này là vô cùng sáng sủa bởi xu thế đi chợ hiện đại đang được người tiêu dùng lựa chọn.

Hệ thống siêu thị Coop-Mar được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Lê Phú


Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa dự đoán, đến năm 2020, siêu thị sẽ chiếm lĩnh khoảng 35 - 40% thị phần bán lẻ ở Việt Nam. Song để phát triển bền vững và trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng, hệ thống siêu thị phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải quyết liệt thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Cũng theo Thứ trưởng Thoa, sự hình thành và phát triển của hệ thống bán lẻ luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng kênh phân phối hiệu quả cho nền kinh tế, xây dựng văn minh thương mại hiện đại, góp phần bảo vệ quyền lợi và lợi ích người tiêu dùng. Đây được coi là môi trường thuận lợi để gia tăng giá trị của hàng hóa. Tuy nhiên, tình trạng khách hàng “tố” mua phải hàng kém chất lượng được niêm yết tại một số siêu thị cũng như chưa hài lòng về chính sách chăm sóc khách hàng đang được các siêu thị áp dụng đã xuất hiện. Như vậy, liệu siêu thị nói riêng và hệ thống bán lẻ nói chung có thực sự trở thành phương thức bán hàng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hay chưa? Đặc biệt, hoạt động quản lý chất lượng, khuyến mại, quảng cáo tại các siêu thị diễn ra rầm rộ, nhưng việc quản lý các hoạt động này còn là một vấn đề tồn tại nhiều bất cập.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho rằng, hệ thống bán lẻ hiện đại Việt Nam hiện tồn tại nhiều nhược điểm. Người tiêu dùng phàn nàn về chất lượng một số loại hàng hóa trong siêu thị; tinh thần, thái độ phục vụ chưa chu đáo, cởi mở, chưa coi “khách hàng là thượng đế” theo đúng nghĩa. Tuy có hàng chục nghìn mặt hàng kinh doanh, song siêu thị hiện nay chưa phải là lực lượng chủ lực về ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường. Bởi đầu vào của siêu thị chưa được cạnh tranh và ổn định. Chuỗi sản xuất phân phối bán lẻ còn rời rạc, tốn chi phí, góp phần đẩy giá lên cao làm cho hiệu quả kinh doanh, hiệu quả xã hội chưa được như mong muốn.

Cùng chung quan điểm trên, song ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đặt câu hỏi: Liệu siêu thị đã là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng chưa? Điều mà người tiêu dùng quan tâm hiện nay là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù giá có đắt hơn bên ngoài, nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận vào siêu thị mua hàng với mong muốn hàng hóa được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đúng nghĩa. Tuy nhiên, người tiêu dùng thất vọng khi kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đối với một siêu thị đã phát hiện hàng loạt trái cây tươi, sữa chua nếp cẩm, cá basa... không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề phụ gia, phẩm màu, mặt hàng có chứa chất DEHP; định lượng hàng hóa; ghi nhãn hàng hóa; giá cả; hàng giả, hàng nhái; bảo hành... cũng là vấn đề người tiêu dùng quan tâm.

Theo ông Vũ Vinh Phú, siêu thị cần phải xây dựng bằng được hình ảnh của mình trên thị trường, lấy mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Không phân biệt siêu thị trong hay ngoài nước, các doanh nghiệp cần liên kết hợp tác để kinh doanh, cạnh tranh một cách lành mạnh, không vi phạm pháp luật kinh doanh, quan hệ bạn hàng minh bạch, hai bên đều có lợi. Mặt khác, Nhà nước cần nhanh chóng phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống phân phối quốc gia, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển thương mại bán lẻ văn minh trên toàn quốc. Quy hoạch cần công khai, thực hiện nghiêm túc không bị phá vỡ hoặc lợi dụng của một nhóm lợi ích.


Ông Phú cho rằng: Sản xuất phải được tập trung cao hơn, quy mô lớn hơn, năng suất được nâng cao, chất lượng hàng hóa đạt các tiêu chuẩn Việt Nam và thế giới.

Để tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng nhà bán lẻ cần đáp ứng nhanh đòi hỏi của thị trường bán lẻ năng động và nhiều biến đổi bởi các hình thức bán lẻ hôm nay sẽ còn không phù hợp trong tương lai. Do đó, các nhà bán lẻ cần khắc phục các căn bệnh cố hữu của thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam. Cùng đó, song song với việc mở rộng thị trường, các doanh nghiệp cần đi sâu tìm hiểu thị trường và phục vụ với tính chất tính dịch vụ cao hơn.

Uyên Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN