Bí mật chưa có lời giải về vụ cháy tàu Normandie

Từng làm chấn động thế giới khi được coi là chiếc tàu chở khách “đẹp nhất, sang trọng nhất”, sau khi hải quân Mỹ mua lại của Pháp vào năm 1939, tàu Normandie đã được gấp rút cải tạo để sử dụng làm tàu chở binh lính. Đúng lúc chuẩn bị hoàn thành để đưa vào sử dụng thì một vụ hoả hoạn bất ngờ xảy ra thiêu trụi hoàn toàn chiếc tàu khổng lồ này. Sự việc khiến nhiều người chú ý và từ đó rất nhiều mối nghi ngờ đã nảy sinh.

Tàu Normandie đang đậu ở bến tàu số 88, cảng New York, Mỹ.


Mùa thu năm 1941, tàu Normandie sừng sững đậu ở bến tàu số 88 trên sông Hubson thuộc cảng New York. Tuy nhiên, ngay từ đầu các quan chức chóp bu của chính quyền phát xít Đức đã nghi ngờ về mục đích sử dụng con tàu này khi Mỹ mua lại của Pháp. Ngày 3/6/1940, đúng hai ngày sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, cơ quan tình báo quân đội Đức đã chỉ thị cho các điệp viên của mình ở Mỹ phải “đặc biệt chú ý đến tàu Normandie”. Khi đó, khu vực xung quanh hải cảng New York và New Jersey có rất nhiều quán rượu. Lính hải quân thường vào đó đánh chén và khi ngà ngà họ bắt đầu ba hoa để lộ rất nhiều thông tin về hải quân. Tận dụng cơ hội đó, tính báo Đức đã chiêu mộ được một chủ quán rượu ở khu vực cảng New Jersey. Người này thường xuyên phục vụ tận tình các công nhân đang tham gia cải tạo tàu Normandie với hy vọng tìm kiếm thông tin tình báo có giá trị.

Lúc đó tiến độ cải tạo tàu Normandie đang diễn ra hết sức khẩn trương bởi theo mệnh lệnh từ cấp trên thì con tàu phải được hoàn thành trước ngày 28/2/1942 để sau đó tham gia sứ mệnh vận chuyển khoảng 10.000 binh lính cùng vũ khí sang Anh tham chiến chống quân Đức. Đúng vào thời điểm gấp rút nhất thì sự cố bất ngờ xảy ra. Lúc 14 giờ 34 ngày 9/2/1942, trên tàu bỗng vang lên tiếng kêu “cháy”. Tất cả các công nhân trên tàu được gấp rút sơ tán và các đội cứu hộ được huy động để xử lý vụ hỏa hoạn.

Tuy nhiên, hôm đó gió to, ngọn lửa càng ngày càng dữ dội và nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát. Chẳng bao lâu, lửa đã lan ra khắp con tàu, biến nó thành một ngọn đuốc khổng lồ cháy rừng rực suốt nửa ngày liền. Vào lúc 2 giờ 32 sáng 10/2, chiếc tàu xấu số này do nước tràn vào quá nhiều đã bị lật và bắt đầu chìm xuống. Vụ hỏa hoạn đã khiến 1 người thiệt mạng và 250 người bị thương. Như vậy, chỉ cách thời gian viễn chinh châu Âu đúng 3 tuần, nước Mỹ mất đi một chiếc tầu chở quân lớn nhất và cũng là một tổn thất không nhỏ cho quân đồng minh.

Tàu Normandie đang bốc cháy.


Kỹ sư thiết kế tàu Normandie cho rằng trận hỏa hoạn này nhất quyết không phải ngẫu nhiên bởi vì các thiết bị phòng cháy chữa cháy trên tàu được liệt vào dạng tối tân nhất thời bấy giờ. Ngay lập tức, chính phủ Mỹ đã cho thành lập một ủy ban điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân sự cố. Cục điều tra liên bang (FBI) đã tiến hành thẩm vấn hơn 100 nhân chứng. Hải quân Mỹ cũng thành lập một tổ điều tra độc lập nhằm làm rõ sự việc. Hai tháng sau vụ cháy tàu Normandie, nhóm điều tra thuộc hải quân đưa ra kết luận: “Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cháy tầu là do sự bất cẩn của công nhân sửa chữa và sơ hở trong công tác quản lý”. Tuy nhiên, kết luận này rõ ràng không khỏa lấp được mối nghi ngờ của dư luận.

Theo các nhân viên điều tra của FBI thì nhiều khả năng vụ hỏa hoạn có sự dính líu của gián điệp phát xít Đức, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì tất cả những báo cáo của họ đều bị phía quân đội phớt lờ. Thậm chí khi FBI đề nghị được cộng tác để tìm hiểu sự thật về vụ hỏa hoạn thì cũng bị khước từ. Một số chuyên gia cho rằng nếu nguyên nhân đúng như những kết luận của nhóm điều tra thuộc hải quân đưa ra thì có thể đó là “kẽ hở quản lý” mà các phần tử phá hoại tận dụng để ra tay. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là ngày hôm đó 1.500 công nhân trải khắp ở mọi ngóc ngách của con tàu, nếu như có sơ hở, thì chắc chắn phải có người nhìn thấy kẻ phóng hoả. Dù sao đi nữa thì vụ hỏa hoạn tàu Normandie đến nay vẫn nằm trong vòng bí ẩn của hải quân Mỹ.

Lê Hải (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN