Nơi lưu giữ kiến trúc Việt

Nằm dọc bờ sông Sài Gòn, rộng hơn 10ha, làng nghệ nhân Hàm Long được các họa sỹ, điêu khắc… vùng đất phương Nam xem là nơi khơi nguồn những cảm xúc sáng tạo. Đây cũng được mệnh danh là một khu bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ những nét kiến trúc văn hóa ba miền Bắc - Trung - Nam.

Không xây… “nhà Tây”

Từ quốc lộ 51B, chúng tôi rẽ vào con đường trải nhựa hai bên cỏ dại mọc đầy để tìm về với Làng nghệ nhân Hàm Long (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2). Cả làng có hơn 30 hộ, tuy nhiên mới chỉ có 8 hộ xây dựng làng từ năm 1997.

Một góc trong bộ sưu tập những bức tượng về các dân tộc Việt Nam...

Họa sỹ Lý Khắc Nhu, một nghệ nhân có mặt từ thủa khai hoang Làng nghệ nhân, bồi hồi nhớ lại: “Khu đất này có cách đây 13 năm, nhưng trước kia là vùng hoang hóa, không có người nào dám vào vì cỏ cây um tùm và rắn rết khắp nơi, thậm chí không có đường, không có nước…


Nhưng thấy nơi đây có không gian thiên nhiên để người nghệ sỹ thả hồn và sáng tác cho nên anh em họa sỹ chúng tôi đã rủ nhau mua khu đất này. Ngày thứ 7, chủ nhật, anh em họa sỹ gặp nhau tại đây để trình bày những tác phẩm của mình mới sáng tác.


Sau khi mua xong, chúng tôi thấy thiếu cái gì thì bắt tay làm cái nấy, như khu Kỳ Long của tôi thấy đất thấp, ruộng nước nên tôi tận dụng tạo ao cá, có ao cá tạo ra cái lều… Cứ như vậy cho tới nay làng có được không gian kiến trúc Bắc- Trung - Nam. Tuy nhiên, tất cả các ngôi nhà trong làng được xây dựng gần gũi với tự nhiên và không quy ra vốn đầu tư vì họa sỹ, nghệ sỹ hễ thấy thích thì làm, không cần chuẩn bị trước”.

Quy ước xây dựng của cả làng là không xây nhà kiểu Tây Âu. Vì vậy, dù đi hết làng bạn cũng không hề thấy một ngôi biệt thự hay một nhà cao tầng mà chỉ toàn những nếp nhà Việt Nam truyền thống. Mỗi ngôi nhà trong làng đều chú trọng đến từng chi tiết thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng, miền, như ngôi nhà sàn người Mường, ngôi nhà kiến trúc Cung đình Huế, nhà dân tộc Xtiêng… với những vật liệu đơn giản và gần gũi của làng quê Việt Nam.


Hiện cả làng có 8 khu nhà, mỗi khu có một cái tên gắn với một nghệ nhân, đơn cử như khu nhà của nghệ nhân Lý Khắc Nhu chuyên về hội họa và điêu khắc gọi là Kỳ Long Art, khu nhà sàn mang kiến trúc của người Mường gắn với họa sỹ Bạch Trường Sơn gọi là Bạch Trường Sơn Art hay khu nhà của nghệ sỹ Nguyễn Hoài Hương là khu vườn Huế gọi là Nguyễn Art…

Đẹp đến từng chi tiết

Thả hồn thong dong, chúng tôi bước vào khu Kỳ Long viên, đây được xem là một điểm nhấn đặc biệt của làng Nghệ nhân Hàm Long. Trong khuôn viên rộng khoảng 3.000m2, họa sĩ Lý Khắc Nhu đã bài trí những tác phẩm điêu khắc, hội họa chia theo khu như khu nhà trưng bày triển lãm, khu điêu khắc tượng, khu hội họa tranh sơn dầu và sơn mài…

Kiến trúc nhà Mường được xây dựng trong khu nhà của họa sỹ Bạch Trường Sơn

Trong khu vườn lộng gió ven sông Sài Gòn là nơi trưng bày bộ sưu tập những tượng gỗ với nét khắc đầy tinh xảo, thể hiện vẻ đẹp đến từng chi tiết của hơn 20 dân tộc Việt Nam, rất sinh động và gần gũi. Đa số các tác phẩm này tập trung ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ các dân tộc Việt Nam trong sinh hoạt đời thường như người phụ nữ K’ho, Mường, Dao… địu con giã gạo, mang gùi lên rẫy, ru con ngủ.

Họa sỹ Lý khắc Nhu tâm sự: “Tôi đang dành trọn thời gian của quãng đời còn lại để cùng các họa sĩ điêu khắc trong làng tạo ra những bức tượng thể hiện được hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam, khôi phục lại ngành sơn mài mỹ thuật truyền thống đã bị lãng quên từ hơn nửa thế kỷ”.


Ngoài việc sưu tầm những tác phẩm điêu khắc, họa sỹ Lý Khắc Nhu còn có sở trường về hội họa và thư pháp. Những bức tranh thủy mặc, thư pháp với nét bút phóng khoáng của ông luôn khiến người xem hình dung ra những không gian rộng lớn luôn gần gũi với thiên nhiên, con người.

Một góc nhà vườn Huế trong khu nhà của họa sỹ Hoài Hương

Rời không gian hội họa và điêu khắc của Kỳ Long Art, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của nghệ sĩ Nguyễn Hoài Hương. Nơi đây có khung cảnh thanh tịnh và êm đềm với những lối đi uốn lượn rực rỡ sắc hoa cạnh hồ bán nguyệt, với thuyền hoa đong đưa và đèn lồng lung linh mang dáng dấp cung đình thời Nguyễn.


Trong khi đó, khu nhà của họa sỹ Dương Ðình Hùng - ngôi nhà Huế hơn một trăm năm tuổi, được mang nguyên từ Huế vào, với đầy đủ cột kèo, ván lát, cửa... Trên vách gỗ trong nhà có một bức sắc phong của nhà Nguyễn dành cho dòng họ Dương Ðình được treo rất trang trọng.

Riêng khu nhà của họa sĩ Bạch Trường Sơn lại mang một phong cách khác hẳn. Bước lên cây cầu thang ngắn bằng gỗ mộc bắc lên nhà sàn, sẽ có ngay cảm giác mình đang ở vùng Tây Bắc xa xôi. Bước ra phía sau là ngôi nhà tranh vách đất của vùng đồng bằng Bắc bộ cùng với những lồng bàn tre, vó tre dựng trong góc sân, rất gần với làng quê Việt Nam.

Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Văn Hóa- Thể thao và Du lịch cho biết: Vừa qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có có cuộc khảo sát tại Làng nghệ nhân Hàm Long và quyết định chọn làng là một trong những điểm đến văn hóa du lịch trong tuyến du lịch đường sông.


Hiện, Làng nghệ nhân Hàm Long mới hoàn chỉnh khoảng 10% về kết cấu hạ tầng, còn 90% nữa vẫn đang xây dựng thêm. Các nghệ nhân nơi đây đang dốc hết sức hoàn thiện ngôi làng để sớm đi vào phục vụ khách tham quan du lịch.

Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN