Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, du lịch Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành ngành kinh tế quan trọng. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận với nhiều giải thưởng hàng đầu.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quảng Nam và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, tạo việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương mình, góp phần giảm nghèo; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề "Để du lịch miền Trung toả sáng".
Bài 1: Phát triển du lịch xanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại
Tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở rộng không gian du lịch, liên kết các điểm đến gắn với quảng bá, xúc tiến nhằm khôi phục du lịch, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để phát triển du lịch xanh đang là hướng đi mới của các tỉnh, thành trong trục Di sản miền Trung gồm Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng.
Phát triển du lịch xanh - lựa chọn tất yếu
Với những lợi thế về giao thông, về cơ sở hạ tầng và dịch vụ, thành phố Đà Nẵng, nơi kết nối các điểm du lịch nổi tiếng trong hành trình Di sản miền Trung, đang đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng phát triển xanh. Theo đó, huyện Hòa Vang nơi sở hữu những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với cả ba loại địa hình đồng bằng, trung du và rừng núi được chọn làm thí điểm cho sản phẩm du lịch mới mẻ này.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay, huyện có 18 địa điểm du lịch cộng đồng với các loại hình hoạt động khá mới gồm: Homestay ALăng Như, Khu cắm trại Yên Retreat ở xã Hòa Bắc, Làng Co Co, dịch vụ leo núi Wildtrek, trang trại Mẹ Ken, Homestay Trại Điên, An Nhiên Farm ở xã Hòa Ninh, du lịch sinh thái Hòa Ninh, Hali Farm… Các điểm du lịch cộng đồng đang phát huy được hiệu quả, thu hút đông đảo du khách. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gần 300 triệu đồng để người dân xây dựng các mô hình homestay; thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp trực tiếp hướng dẫn để người dân làm du lịch cộng đồng kết hợp bảo vệ thiên nhiên, môi trường và phát huy bản sắc văn hóa bản địa.
Anh Đinh Văn Như, Chủ homestay ALăng Như cho biết, được hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh đã hoàn thành nhà sàn 2 tầng với quy mô đón 30 khách. Để thu hút khách, anh Như đã cải tạo vườn bỏ hoang của gia đình để trồng tre, trúc tạo cảnh quan đẹp. Cùng với đó, khu vực này có khe suối lớn, núi đồi mênh mông nên homestay được hòa lẫn vào giữa thiên nhiên của núi rừng. Du khách đến đây không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn mà còn được trải nghiệm các phong tục, tập quán trong văn hóa của người Cơ tu qua các điệu múa Tung tung da dá, múa cồng chiêng, lội suối bắt cá, đi nương rẫy, xem dệt thổ cẩm, đan lát, nghe nói lý, hát lý…
"Cuộc sống của bà con trước đây gặp nhiều khó khăn do chỉ biết làm nương rẫy. Khi được hỗ trợ, hướng dẫn làm du lịch cộng đồng từ chính những cái sẵn có trong thiên nhiên và do bà con tự làm ra như nuôi gà thả vườn, trồng rau rừng, bắt cá suối, dệt thổ cẩm, làm đồ lưu niệm, biểu diễn văn hóa Cơ tu để phục vụ du khách, cuộc sống đã đỡ vất vả hơn. Vừa giữ gìn được nét văn hóa, khôi phục, duy trì các nghề truyền thống, vừa tạo được sinh kế nên bà con rất vui", anh Như chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư: hỗ trợ đóng mới các tàu chở khách, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp cận các nguồn vốn, chính sách ưu đãi của địa phương về đất đai, mặt bằng; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kết nối du lịch với các tỉnh và các nước trong khu vực, cũng như quốc tế.
Quảng Trị đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Cồn Cỏ để phục vụ khách du lịch trên tuyến đầu cầu Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời, tỉnh đầu tư đóng mới đội tàu du lịch để kết nối đất liền với Cồn Cỏ, chú trọng phát triển các loại hình du lịch như lặn biển ngắm san hô, tham quan khu rừng đặc dụng và các loài sinh vật cảnh đặc trưng. Cồn Cỏ được kết nối với Cửa Việt và Cửa Tùng để tạo thành "tam giác" du lịch biển, qua đó đưa du lịch thành ngành mũi nhọn của địa phương.
Ở vùng miền núi phía Tây, tỉnh Quảng Trị xây các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng. Với nhiều cảnh đẹp, hấp dẫn những người thích phiêu lưu khám phá, cùng sự hiếu khách và văn hóa đặc sắc của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều. Thác Tà Puồng ở thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa là một trong những điểm đến được khách du lịch lựa chọn hàng đầu khi đến Quảng Trị.
Đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào du lịch xanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chia sẻ: Tỉnh đã có nhiều chương trình hành động nhằm cụ thể hóa việc bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa của đồng bào gắn với việc bố trí sắp xếp lại khu dân cư cho đồng bào, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đây là nền tảng vững chắc để Quảng Nam phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử.
"Bên cạnh việc khai thác bền vững các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các trầm tích văn hóa của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng, cư dân vùng ven biển, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch về vùng sâu trong đất liền, khai thác bền vững và hợp lý tài nguyên môi trường, bản sắc văn hóa độc đáo còn nguyên sơ của đồng bào các dân tộc thiểu số để xây dựng sản phẩm du lịch xanh", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Nói về du lịch xanh, không thể không nhắc đến du lịch biển đảo - nguồn tài nguyên vô giá của tỉnh Quảng Nam. Du lịch biển đảo Quảng Nam đã và đang trở thành sản phẩm có sức hút mạnh đối với du khách trong, ngoài nước. Trước mùa du lịch biển đảo năm nay, nhất là sau sự cố lật ca nô đáng tiếc trên vùng biển Cửa Đại - Hội An, các ngành chức năng của tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để không những đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho du khách mà còn góp phần khẳng định thương hiệu du lịch biển đảo.
Phát triển du lịch xanh trên nền giá trị văn hóa, lịch sử
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Nguyễn Phước Bảo Trung cho biết, du lịch xanh là một khái niệm rộng, không chỉ hoàn toàn nói về môi trường mà còn mang ý nghĩa về sự thân thiện, hài hòa trong ứng xử giữa con người với con người, con người với di sản và con người với tự nhiên. Việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản, văn hóa, cùng với cảnh quan thiên nhiên môi trường đã tạo ra nét riêng đối với các sản phẩm du lịch của Thừa Thiên – Huế, qua đó khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
"Huế, một điểm đến 5 di sản" chính là thương hiệu, sức hút và niềm tự hào của Cố đô Huế. Với vị thế là Kinh đô của nhà Nguyễn trong 143 năm (1802 - 1945), Thừa Thiên – Huế hiện còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn các công trình kiến trúc đồ sộ và nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, bị tác động bởi chiến tranh và thiên tai, Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản Văn hóa thế giới đã trải qua nhiều đợt trùng tu và tôn tạo để có thể giữ gìn được những di sản quý báu mà tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1975, một nửa trong tổng số các di tích kiến trúc nghệ thuật ở khu vực Đại Nội đã trở thành phế tích. Đến nay, khoảng trên 130 công trình di tích lớn, nhỏ đã được trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, năm 2022, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 của Dự án di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế với việc di dời hàng ngàn hộ dân để trả lại mặt bằng tại các điểm di tích. Đây được xem là đợt "di dân lịch sử" và mở ra một giai đoạn mới trong quá trình bảo tồn, phát huy tổng thể giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế.
Khảo sát để kết nối các tuyến, điểm đến trong tour du lịch xanh, Phó Giám đốc Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng Trần Lực đề xuất, xây dựng được sản phẩm du lịch có chất lượng đã khó, song giữ gìn và phát huy bền vững những sản phẩm du lịch có chất lượng càng khó hơn. Do vậy, để giữ được chất lượng sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là khách đến từ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, các gói dịch vụ như hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, dịch vụ lưu trú, ẩm thực có vai trò đặc biệt quan trọng.
"Tỉnh Quảng Nam đang tiên phong trong du lịch xanh, do vậy cần tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Mặt khác, Quảng Nam cần nâng cấp các tour, tuyến, các loại hình dịch vụ phù hợp, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng", Phó Giám đốc Saigontourist Chi nhánh Đà Nẵng Trần Lực nêu quan điểm.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng, Quảng Nam có tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng. Trầm tích văn hóa từ vùng đồng bằng, ven biển đến vùng miền núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số thể hiện qua các di tích lịch sử, lễ hội dân gian, ẩm thực, âm nhạc dân tộc, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán và danh lam thắng cảnh. Nổi bật là các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận như Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An. Đây là nguồn tài nguyên quý giá sẽ được khai thác một cách hợp lý trong việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh.
Bài 2: Đánh thức tiềm năng du lịch biển, du lịch sinh thái