Tái cấu trúc các làng nghề để phát triển sản phẩm

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Sở Công Thương Đồng Nai vừa tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm và thị trường cho sản phẩm làng nghề”, nhằm tìm giải pháp phát triển thị trường, tái cấu trúc, từng bước tạo đòn bẩy để phát triển sản phẩm của làng nghề.

Cả nước hiện có gần 3.000 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống với các nghề phổ biến như: Gốm sứ, sơn mài, thêu đan, mây tre, mộc, đẽo đá… Theo đánh giá của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hầu hết các làng nghề đều thể hiện được bản sắc, đặc trưng của từng vùng miền nông thôn Việt Nam. Trong đó vùng đồng bằng Bắc bộ chiếm tới 2/3 số làng nghề của cả nước, với những nghề nổi tiếng như: Lụa Vạn Phúc, gỗ Đồng Kỵ, gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ; miền Trung có các làng nghề điêu khắc Mỹ Xuyên, tranh làng Sình, nón Phú Cam, gốm Thanh Hà; miền Nam có các làng nổi danh như đá Bửu Long, gốm Tân Vạn, các làng nghề làm cây cảnh, bonsai ở đồng bằng Nam bộ…

Sản xuất gốm Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh : Danh Lam – TTXVN


Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, đến nay hàng hóa thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã xuất khẩu đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ năm 2011 ước đạt khoảng 1 tỷ USD. Ngoài ra, riêng ngành gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ có thể đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến 2 tỷ USD. Nhiều nước ưa chuộng hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề bởi giá trị văn hóa thể hiện trên mỗi sản phẩm. Hiện nay nhiều làng nghề đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước thường xuyên đến tham quan mua sắm làm quà lưu niệm, mang lại nguồn ngoại tệ, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy vậy, hiện nay làng nghề đang rơi vào tình trạng khó khăn, do phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của thị trường; nguồn lao động có tay nghề của các làng nghề đang ngày càng rơi vào tình trạng thiếu hụt; nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, duy trì làng nghề gặp nhiều khó khăn; đầu ra cho sản phẩm làng nghề bấp bênh, không ổn định… Trước những thách thức trên, các làng nghề và Hiệp hội Làng nghề cùng chính quyền các địa phương cần tìm các giải pháp phù hợp nhằm tái cấu trúc làng nghề, tạo đòn bẩy để khẳng định vị thế của làng nghề. Trong đó chú trọng việc tăng cường nghiên cứu thị trường, liên kết liên doanh giữa đơn vị sản xuất và đơn vị tiêu thụ, tạo thành cầu nối vững chắc từ khâu sản xuất đến đưa ra thị trường; thường xuyên cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm cho các làng nghề. Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ làng nghề như cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đào tạo lao động cho làng nghề… Ngoài ra, có một giải pháp khá khả thi là việc gắn làng nghề với các điểm tham quan du lịch, nhằm thu hút du khách đến với làng nghề và sử dụng các sản phẩm của làng nghề.

Sỹ Tuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN