Phong phú các hoạt động văn hóa nghệ thuật mừng Xuân Quý Tỵ

Những ngày này, phố phường thủ đô khắp nơi đang rộn ràng đón Tết, các địa phương cũng đã chuẩn bị nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật để chào đón Xuân Quý Tỵ 2013.

Nhiều trò chơi dân gian sẽ diễn ra trong dịp Tết tại Bảo tàng Dân tộc (Hà Nội). ảnh do Bảo tàng cung cấp

 

Tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội có kế hoạch tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật vào đêm giao thừa và từ mùng 3 đến mùng 6 Tết Nguyên đán (tức là ngày 12 - 15/2/2013). Trong chương trình này, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội, Trung ương và tỉnh bạn cùng các câu lạc bộ nghệ thuật không chuyên sẽ mang đến những tiết mục ca múa nhạc truyền thống và hiện đại, chèo, kịch, cải lương, xiếc... ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp và sự phát triển của thủ đô. Các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức tại các tụ điểm công cộng, trung tâm văn hóa ở 29 quận, huyện, thị xã; trong đó tâm điểm là sân khấu đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm) với các chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào đêm giao thừa và trong những ngày Tết.


Đêm giao thừa, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trong đó có 5 điểm tầm cao, 24 điểm tầm thấp, thời lượng 15 phút. Năm điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm: Hồ Gươm, công viên Thống Nhất, vườn hoa Lạc Long Quân, hồ Văn Quán, sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Cũng trong đêm giao thừa, từ 22 - 24 giờ tại khu vực đường Đinh Tiên Hoàng (từ sân khấu đền Bà Kiệu đến vườn hoa tượng đài Vua Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra màn đồng diễn flashmob với hàng ngàn người tham gia. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp qua cầu truyền hình “Chào năm mới” của Đài Truyền hình Việt Nam.


Tại Bảo tàng Dân tộc học (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội), trong ba ngày từ 15 - 17/2/2013 (mồng 6 - 8 Tết) sẽ diễn ra chương trình Vui xuân Quý Tỵ 2013 với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như trình diễn nghệ thuật, trò chơi, ẩm thực... của các địa phương, các tộc người khác nhau... Theo đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tổ chức giới thiệu một số nét văn hóa của các dân tộc ở Yên Bái như: Người Mông nấu thắng cố, thổi khèn; người Cao Lan làm bánh chim gâu; người Thái đồ xôi ngũ sắc, người Xá Phó thổi sáo mũi; người Dao thổi kèn ống nứa, người Khơmú trình diễn điệu múa thuồng luồng...


Tối 7/2, Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ tại TP Hồ Chí Minh đã tưng bừng khai mạc. Đây là năm thứ 10 đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức hàng năm vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc – đã trở thành một sự kiện văn hóa du lịch, một thương hiệu của TP Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Trái tim Việt Nam”, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ 2013 chuyển tải thông điệp chân lý ngàn đời – sức mạnh ở nhân dân; đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một xã hội hưng thịnh, văn minh, bảo vệ vẹn toàn bờ cõi của Tổ quốc Việt Nam. Các phân đoạn của đường hoa được xây dựng theo từng chủ đề, tái hiện bức tranh thiên nhiên, nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam ở các vùng, miền; sức mạnh đoàn kết của 54 dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời tôn vinh những giá trị lao động qua các công cụ truyền thống của mỗi dân tộc được kết bằng hoa.

Vào ngày 15/2 (tức mồng 6 Tết), khán giả thủ đô có cơ hội được thưởng thúc một chương trình nghệ thuật đặc sắc, đó là chương trình hài kịch “Táo cười đón Xuân” của Đoàn kịch II, Nhà hát Tuổi trẻ tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Nghệ sỹ Chí Trung - Táo giao thông của chương trình “Gặp nhau nhau cuối năm” sẽ chủ trì "Táo cười đón Xuân", nghệ sỹ Xuân Bắc - Nam Tào trong "Gặp nhau cuối năm" sẽ là người dẫn chương trình cùng với các danh hài nổi tiếng hứa hẹn mang đến những tiếng cười vui vẻ đầu năm cho khán giả qua câu chuyện của Táo chính chủ, Táo chuyển giới, Táo Facebook... là những Táo chưa từng xuất hiện trong các chương trình Táo quân trước đây.


Chào đón năm mới 2013, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), ngôi nhà chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra chương trình "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Theo đó, từ ngày 19 - 21/2 (từ mùng 10 - 12 tháng giêng), 24 cộng đồng dân tộc đến từ 8 tỉnh đại diện cho các dân tộc vùng cao phía Bắc và Tây Nguyên sẽ hội tụ về ngôi nhà chung để cùng đón năm mới, đón lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam...; Thực hiện nghi thức "hạ cây nêu ngày Tết”; Tổ chức liên hoan ẩm thực mùa xuân, giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực các dân tộc với những món ăn đặc sắc, tiêu biểu của các cộng đồng dân tộc phía Bắc...


Với nhiều chương trình hoạt động văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng, người dân sẽ có thêm nhiều địa điểm vui chơi hấp dẫn và ý nghĩa trong dịp Tết năm nay.

 

Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN