Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế: Lãng tử mê đắm

Trong con mắt và ý nghĩ của nhiều người, Nguyễn Tham Thiện Kế (ảnh) là một gã lãng tử rất có… cá tính, thậm chí, đôi khi khó tính, kiêu ngạo và… bất cần. Gã là một kẻ ít khi chia sẻ cảm xúc cùng người đối diện mà chỉ lặng lẽ quan sát và ghi nhận họ trong từng chi tiết của đời sống. Ấy vậy nhưng Nguyễn Tham Thiện Kế là một kẻ bị… “bóc mẽ” khi… viết văn. Với văn chương, gã không thể dối lòng.


Gã yêu mảnh đất mường Cự Thắng, châu Thanh Sơn, Phú Thọ, nơi chôn nhau cắt rốn đến cạn lòng. Dường như mỗi thước đất đều là nơi gắn với những kỷ niệm tuổi ấu nhi của gã với dặm ngàn hoa và cánh đồng ngạt ngào hương đồng nội. Nơi rừng cọ ngàn xưa thổi động, nơi có bóng ngôi nhà cổ đã mất với khúc ứng tấu tháng tư và dặm ngàn xanh cố hương cứ đầy tràn trong giấc mơ của người đàn ông đã lững thững bước qua tuổi hoa niên tự bao giờ trong cái phiêu lãng của đời sống, đời viết.



Nguyễn Tham Thiện Kế tự sự rằng, nếu mỗi tuổi thơ đều gắn với một bóng cây thì ký ức gã có miền bán sơn địa nơi thầy mẹ đến khẩn hoang bộn bề xanh. Lắng đắng mùa qua cây ngọt chẳng nhớ, chỉ thương đắng đót cây xoan. Căn nhà tạm mùa đông, quanh bếp lửa củi gộc, thầy trầm ngâm ấm trà rừng phơi nắng, xoay nghiêng mảnh báo cũ gói dúm thuốc lá vụn. Mẹ ẵm em gái thứ sáu tí teo thúc lửa nổi dong riềng luộc chờ bữa sáng... Gã lầm lũi lớn lên cùng vị đắng ngăm rễ xoan của dong riềng ngô khoai trồng dưới bóng xoan. Xoan xếp hai hàng dọc con đường đất chạy vào trang trại. Xoan quần tụ giao cành cuối nương chè thành vạt rừng nhỏ cho bầy dê nằm ngủ trưa hè tránh nóng. Xoan mọc hàng rào, xoan nương góc ruộng, lạch nước, bờ ao… Ngước lên vòm cao tua tủa đầu cành xoan mảnh khảnh sần đen, mắt mẹ lấp lánh. Bàn tay giơ lên ngang trán, chẳng biết ngón tay mẹ gầy hơn hay đầu cành xoan gầy hơn. Bếp củi liu riu chờ mẹ về khét vị khoai vùi. Gã mơ hoa xoan rụng trong thơ Nguyễn Bính, gã thương mình cô độc như cô bé quàng khăn xòe tay ôm sợi khói bên chiếc xoan èo uột giữa khúc đê vòng mãi mãi trong tranh Lưu Công Nhân...


Nguyễn Tham Thiện Kế có trong gia tài của mình 7 tập sách dày dặn bao gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết và tùy bút nhưng ở đâu thì độc giả vẫn cứ gặp lại cái gã bề ngoài thì có cái vẻ khó đăm đăm, nói năng rành rẽ, dứt khoát thậm chí quá thông minh và tỉnh táo trong đời sống, nhưng trong mỗi trang viết thì lẩn mẩn, tỉ tê, xúc cảm ngọt như cứa vào lòng người những nỗi niềm trắc ẩn. Xét cho cùng, gã, cũng như hàng trăm nhà văn đã sinh ra và lớn lên từ một cái miền quê nào đó, đều yêu cái nôi ấu thơ của mình và nâng niu nó như một báu vật. Có đi đến tận đẩu đâu nơi văn minh, sang trọng nhất, ăn những món ăn lạ và đắt đỏ nhất thì một ngày cũng thèm khát đến vô bờ được trở lại trong túp lều bé thơ của mẹ, ăn một món rau được hái trong vườn nhà bởi bàn tay và hơi ấm mẹ. Dù nơi ấy có túng quẫn, đói rách, nhọc nhằn, thậm chí có lúc nghĩ đến đã toát cả mồ hôi, nhưng lại được gột rửa ngay tức thì bởi một thứ nước mát lành tinh khiết của tình yêu thương che chở. Vậy nên, Nguyễn Tham Thiện Kế cứ loay hoay Nơi con tàu không trở lại, Nhà của mẹ, Tiếng kêu của ngôi nhà thủng mái hay Dặm ngàn hương cốm mẹ… với một lối viết riêng không lẫn vào ai.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sau khi đọc cuốn tùy bút Dặm ngàn hương cốm mẹ của Nguyễn Tham Thiện Kế với những hoa lý, những đồi cọ, nương sắn, những cốm Vòng, bánh khúc, những hoa đào, hoa loa kèn, những cá Anh vũ, những ngôi nhà cổ và bao con người vô danh… đã chia sẻ: “Cuốn sách không còn là một cuốn sách nữa. Nó là một đời sống. Từng dòng, từng dòng chữ đã dần dần đưa tôi rời xa cái đời sống gấp gáp, thực dụng, qua loa và nhiều vô cảm để bước vào một đời sống của những vẻ đẹp tinh khiết và ngập tràn tinh thần nghi lễ. Nhưng bây giờ, tinh thần của đời sống ấy đã và đang rời bỏ chúng ta. Và với những trang viết của mình, Nguyễn Tham Thiện Kế thực sự đã phục dựng tinh thần của đời sống ấy, đã làm nó sống lại trong tôi như trong một giấc mơ tôi được trở về một vùng đất với bao điều đẹp đẽ đã biến mất trên thế gian này”.


Những ai gặp Nguyễn Tham Thiện kế lần đầu tiên, đều có cảm giác rằng, gã đàn ông lãng tử này hơi… lập dị, dù âm giọng của gã rất ấm và vang nhưng đôi khi… không bình thường bởi cái nhìn thiếu thiện cảm trước mọi thứ thuộc về nghi lễ cung kính và sự nể trọng bởi thứ bậc trong xã hội. Nhưng đọc văn của gã thì lại nhận ra rằng, gã, hơn ai hết là một người coi trọng những nghi lễ văn hóa một cách hơi… quá mức. Cái cách gã trau chuốt cho câu chữ của mình đôi khi khiến nó điệu đà và dụng công lại là một phong cách đặc trưng của văn chương Nguyễn Tham Thiện Kế. Bởi thế, nếu đọc tùy bút của gã trong một buổi chiều tĩnh mịch và dịu lắng của mùa thu Hà Nội, độc giả thậm chí có thể… cay sống mũi bởi sự xúc động của một gã trai lãng tử trước bóng quê nhà hay trước những cảm nhận xa hương nhung nhớ… trước một thắng cảnh, một con ngõ cũ của xứ Hà Thành cổ xưa đã mất, trước dáng mẹ, dáng chị, trước bóng một tuổi ấu thơ đẹp đẽ đã trôi đi không bao giờ trở lại… đã ám vào mình. Để thấy rõ một điều, gã trai hào hoa và đào hoa này, thực sự đã có những khoảnh khắc tận cùng của nỗi nhớ, nỗi cô đơn, nỗi hoài niệm ngược dòng thời gian để trở về quá vãng, để được cân bằng lại mình trước sự sống và sự viết, cân bằng trước cái hiện đại và hoài cổ, cân bằng giữa sự giàu và cái nghèo trong tâm hồn. Thậm chí, ngay cả khi ngồi giữa đại ngàn của mọi cao lương mỹ vị, gã vẫn thèm vô cùng món canh sắn nấu chua của làng quê cũ, thèm một nhúm cốm non nhuốm vị mặn mòi của mồ hôi mẹ và nhịp chày chị, thèm được vục mặt soi mình trong cái giếng làng tuổi thơ ngọt lành ký ức... Đọc văn của Nguyễn Tham Thiện Kế là sống lại những hồi tưởng cùng gã trong thế giới phiêu bồng của cổ tích, dù cái miền ấy chưa xa. Nhưng cái cách mà gã thể hiện đã khiến độc giả phải viễn du trong một thế giới của ảo - thực, trong những khoảnh khắc “lên đồng” cảm xúc. Bởi gã cho rằng, kí ức luôn có một sức mạnh khó kiểm soát trong mỗi con người. Với người cầm bút, kí ức còn là mạch nguồn không vơi cạn cho sự chiêm nghiệm, cho sáng tác của chính mình. Nguyễn Tham Thiện Kế luôn biết chọn cho mình một khoảng lùi cần thiết, có lẽ vì vậy, những dòng văn của gã lúc nào cũng rưng rưng một nỗi niềm của người mang nợ... Lùi thật xa, tưởng như chỉ còn Ngắm bóng mờ, nhưng mọi thứ dường như lại được thấu tỏ từ sự ảo mờ xa xăm ấy...


Có lần Nguyễn Tham Thiện Kế nói vui rằng, nếu không viết văn thì gã không biết làm nghề gì. Tuy nhiên, nhìn cách gã nâng niu những hồi ức của mình, đủ biết rằng, trong hành trình đến với văn chương, gã đã “nhặt” được nhiều “của rơi” và là người “có lãi” từ chính quê hương, có lãi từ chính đời sống nhiều thăng trầm, biến động mà mình đã đi qua và trân trọng. Trân trọng thực thụ chứ không phải như cái cách gã… giả vờ “tửng từng tưng” trong cái cách giao tiếp thường ngày của một kẻ lãng tử mê xê dịch. Để nói như một người tiền bối: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”…


Nhật Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN