Nhà thơ Ngô Văn Phú độc ẩm ngắm hoa quỳnh

Tôi đến thăm nhà thơ Ngô Văn Phú vào một buổi chiều hửng nắng, sau những ngày giá lạnh của thời tiết cuối xuân. Căn phòng trên tầng năm của khu tập thể Giảng Võ ở gần đường cái, chỉ bước ra khỏi cửa nhà ông là tôi đã có thể nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới của xe cộ và dòng người tấp nập trên đường Kim Mã, những chiếc xe lấp lánh với đủ các mốt thời trang tân thời trên phố, dưới hàng cây tưởng như dài bất tận. Nhà thơ Ngô Văn Phú tâm sự rằng, ông rất thích tự đi chợ và nấu cho mình những món ăn “hương đồng gió nội” hợp với tuổi già, hợp với khẩu vị. Những lúc nấu nướng là những lúc tâm hồn ông thư thái nhất, ông như quên hết mọi ưu phiền, lo lắng, những nghĩ suy về những tác phẩm chưa hoàn thành cũng như những nỗi ưu tư về cuộc đời.

Nhà thơ Ngô Văn Phú.

Tôi chia sẻ với ông, có một dạo tôi vẫn nhớ như in bài thơ “Mây và bông” của Ngô Văn Phú: Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng. Có một thời tôi cứ nghĩ đó là bài ca dao. Cho đến khi tôi biết ông, thì cũng biết rằng nhà thơ Ngô Văn Phú đã có tới 25 tập thơ với nhiều giải thưởng lớn nhỏ, chưa kể thơ Đường dịch thuật, tuyển chọn của ông cũng đã có tới ngót vài chục cuốn. Có lẽ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho, được học chữ Nho từ bé với thầy đồ làng nên cái cốt cách nho nhã thấm đẫm vào con người ông, trong lời thơ nhẹ nhàng, mềm mại cả khi vui lẫn khi buồn. Chính vì thế, nếu kể đến những nhà thơ viết thành công về đề tài nông thôn, không thể không kể đến Ngô Văn Phú.

Cả cuộc đời theo văn nghiệp, có hàng chục giải thưởng lớn nhỏ và làm đến chức Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nhưng Ngô Văn Phú có lẽ được ví như một bác ong thợ cần mẫn, chăm chỉ xây đắp cho cái tổ của mình với hơn 220 đầu sách đủ các thể loại văn thơ, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, truyện lịch sử, tuyển chọn, giới thiệu. Nhưng ông vẫn chỉ thừa nhận hai mảng đề tài lớn mà ông theo đuổi “là người viết truyện lịch sử và là nhà thơ của nông thôn”. Có lần tôi hỏi ông: Viết truyện lịch sử khó nhất ở điểm nào? Ông cho rằng cái khó là việc tìm tài liệu, bởi không phải một nhân vật nào cũng có thông tin đầy đủ, sau đó là cách thể hiện trong tác phẩm, có hư cấu nhưng phải khéo léo, bởi người đọc tinh lắm, viết không cẩn thận sẽ bị đánh giá "huyên thuyên". Ông cũng tâm huyết một điều, ông viết hơn 150 truyện ngắn lịch sử và nhiều tiểu thuyết về những nhân vật mình yêu thích, họ nổi tiếng và tiêu biểu của từng thời, về nhân cách, về học vấn, về sự xả thân vì dân vì nước là để cho đời sau hiểu thêm về họ. Lịch sử thì cứ viết đi viết lại nhưng mỗi thời phải viết lại theo nhãn quan của thời mình, ông nghĩ đó là một việc làm bổ ích. Và thực tế, đối với ông thì làm thơ hay viết truyện đều phải biết nhập hồn vào thể loại mà mình đã lựa chọn.

Dù mải mê với đề tài lịch sử, song, thứ khiến ông mê đắm và trút được nỗi lòng lại là thơ ca. Ông trung thành với thể thơ truyền thống, nhưng ẩn chứa trong đó là một nỗi niềm trắc ẩn. Rủ rỉ hỏi chuyện ông, mới biết, nhà thơ Ngô Văn Phú cũng có một người để nhớ, để yêu, để làm nên chuyện tình lãng mạn của mình, để mỗi lúc gần thì vui, lúc vắng xa thì nhớ. Câu chuyện tình yêu ấy đã khiến cho tâm hồn của người thi sỹ vốn lặng lẽ đã dậy sóng, cho dù đã mấy chục năm qua nhưng nó đã trở thành vết sẹo ký ức. Đó là câu chuyện của hai người yêu nhau mà không đến được với nhau, bởi vì cả hai người đều có những ràng buộc riêng, những lý do riêng, người đi, để lại một khoảng trống vô bờ trong tâm hồn người thi sỹ. Tôi hiểu vì sao hình dáng người đàn bà có mái tóc dài tha thướt, đôi mắt sáng long lanh, với giọng nói quyến rũ cứ trở đi trở lại trong thơ ông như một nỗi ám ảnh không dứt. Và nỗi đau chia xa dường như cũng thường trực, để giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm” trái tim ông vẫn ngân lên những nhịp đập bất ổn mỗi khi nhớ về người tình trong mộng, và xót xa khi mất đi một nửa trái tim mình: “Yêu đến đỗi. Lòng cũng buồn đến đỗi/ Nói hoài rồi, cần lắm, phút lặng im/ Hơi thở nhẹ lẫn mùi hoa bối rối/ Dáng em đi, tóc xõa, phủ vai mềm/ Phố u tối. Tình yêu không lối thoát/ Lòng chơi vơi theo chiếc lá thu buông/ Đêm Hà Nội. Hai người. Hai cái bóng/ Nhạc tắt rồi, giai điệu vẫn còn vương…”

Tôi hỏi: “Nếu được quay ngược lại thời gian, ông có muốn giành lại những gì thuộc về mình?”. Nhà thơ cười, một nụ cười buồn: “Tôi nghĩ, nếu duyên phận đã định đoạt rồi thì không thể nào tránh khỏi sự mất mát”. Bởi vì cuộc tình buồn, nên ông trân trọng, nâng niu nhiều kỷ niệm. Thứ còn lại đang hiện hữu trong căn phòng ông là một cây hoa quỳnh luôn nở hàng chục bông hoa trắng tinh mơn mởn. Người ta thường trồng cây quỳnh với cây giao để gắn với sự tích một đôi tiên yêu nhau trên Thượng giới, nhưng phép trời thì không cho yêu nhau nên họ trốn xuống trần gian. Ngọc Hoàng sai người đi tìm và bắt được họ. Để trừng phạt, Ngọc Hoàng bắt họ biến thành 2 loại cây. Cô tiên nữ tên Quỳnh nên cây đó đặt tên là cây Quỳnh. Còn anh chàng tiên kia tên Giao. Người trần gian thấy thương cho tình yêu của họ nên khi trồng cây quỳnh thường đặt cạnh cây giao, với ý nghĩa, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chia cắt được họ. Nếu trồng cây quỳnh mà không có cây cành giao thì coi như... thiếu! Để chăm chút cho nó, có ngày ông đạp xe ra tận sông Hồng lấy đất về trồng rồi ngày ngày chăm chút, tỉa tót, bón xới. Trong chậu hoa quỳnh của nhà thơ Ngô Văn Phú cũng không có giao, nó khiến tôi liên tưởng đến sự lẻ bóng ngày ngày của ông trong ngôi nhà, những lúc trăng lên độc ẩm ngắm hoa quỳnh nở, rồi nhìn hoa quỳnh tàn, và lại đợi chờ đến mùa trăng tiếp với ngổn ngang bao nỗi về sự nở tàn, có rồi không của kiếp người khiến cho phòng văn của nhà thơ càng trở nên trống trải…

Giờ đây, niềm vui lớn nhất của nhà thơ Ngô Văn Phú là ngồi bên chiếc bàn quen thuộc để nghiên cứu và dịch thơ chữ Hán. Xung quanh ông là hàng trồng sách cũ kỹ, những cuốn từ điển, những bộ sách cổ. Ông bảo, đó là gia tài cả đời ông chắt góp được. Sách là thứ có thể giúp ông nguôi quên nỗi lòng phiền muộn và làm đầy vốn kiến thức chẳng bao giờ đủ của loài người.

Trần Hoàng Thiên Kim
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN