Ít ai biết tại tỉnh Hà Nam có một kỹ sư nông học đã cần mẫn bao năm sưu tầm, lưu giữ và rất tâm huyết với việc viết về Bác. Đó là ông Nguyễn Thế Nữu, ở xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên.
Ông Nữu năm nay đã 80 tuổi, nhưng vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông tiếp chúng tôi trong căn phòng rộng chừng 30 m2 được bài trí đơn giản. Ngoại trừ một bộ bàn ghế uống nước, một chiếc tivi, một chiếc máy vi tính, còn lại là sách được xếp cao đến tận nóc nhà. Phòng sách của ông có nhiều sách quý, hiếm trong và ngoài nước.
Ông Nữu bên tủ sách dày công sưu tập. Ảnh: Nguyễn Loan |
Ông Nữu tự hào khoe, để có được bộ sưu tập với hơn chục ngàn cuốn sách này, ông đã phải lặn lội sưu tầm từ khi còn là sinh viên. Năm 1953, khi được cử sang Trung Quốc học chuyên ngành Nông học tại Viện Nông học Hoa Nam (Quảng Châu), ngoài thời gian học tập chuyên ngành, ông lặn lội khắp Quảng Châu để tìm các loại sách về chữ Hán và về Hồ Chủ tịch. Có bao nhiêu tiền ông bỏ hết vào việc mua sách. Ông kể: "Sau khi về nước nhận công tác ở Bộ Nông nghiệp, rồi làm việc tại Công ty Giống cây trồng Hà Nam Ninh, mặc dù bận công tác nhưng hễ có thời gian rảnh là tôi lại mày mò khắp các bảo tàng, thư viện ở Hà Nội, Hà Nam Ninh (cũ), rồi vào thư viện của các trường học để sưu tầm sách về Bác. Năm 1991, tôi có dịp quay lại Trung Quốc để học tập kinh nghiệm trồng giống lúa lai, tôi tranh thủ thời gian đi khắp các tỉnh như Hồ Nam, Quảng Châu... để tìm kiếm sách".
Sưu tầm và viết sách về Bác Hồ là niềm đam mê cả đời của ông Nữu. Trong thời gian công tác, mặc dù bận nhiều việc, phải đi nhiều nơi nhưng không khi nào ông xa rời niềm đam mê này. Sẵn có vốn tiếng Hán trong tay, mỗi khi có thời gian rảnh là ông lại đem các quyển sách chữ Hán mà ông sưu tầm được ra dịch. Ông tâm sự: “Ngay khi về Ty Nông nghiệp của tỉnh Nam Định (sau là Sở Nông nghiệp Hà Nam Ninh), tôi đã xác định mình sẽ sống chết cùng cây lúa với vùng đất này. Sự nghiệp nghiên cứu khoa học và sưu tầm sách sẽ là động lực chính để mình thực hiện quyết tâm”. Năm 1991, ông nghỉ công tác. Lúc này ông dành trọn tâm trí mình vào công việc viết sách. Cuốn sách đầu tay ông cho ra mắt là cuốn “Thưởng thức thơ Hồ Chí Minh ngoài Ngục trung nhật ký” dài 643 trang do NXB Khoa học Xã hội phát hành năm 2005.
Nhắc đến cuốn sách đầu tay, mắt ông lại sáng lên: “Đây là cuốn sách về Bác Hồ mà tôi phải mất hơn 20 năm sưu tầm và dịch ra. Cuốn sách chủ yếu là thơ chữ Hán đã được tôi dịch ra tiếng Việt có bình luận”. Ông khoe: “Lúc đó tôi nhớ là mình được trả 5,5 triệu đồng tiền nhuận bút. Tôi dùng luôn số tiền này mua được 110 quyển sách vừa in ra đem đi tặng bạn bè”.
Cầm cuốn sách trên tay, chúng tôi lật trang đầu thấy ngay dòng chữ do Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) viết: “Đọc ông Nữu, tôi không thấy có sự khập khiễng nào so với bất kỳ các tác gia nghiên cứu văn học cả về vốn tri thức và năng lực phân tích cảm thụ”. Tôi vừa đọc đến đây, ông Nữu cười vui: “Tôi nghiên cứu sách là do niềm đam mê của mình. Còn viết sách là phần lớn để “trả nợ”. Số là, trong một dịp gặp Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, sau khi nói chuyện, giáo sư đã khuyên tôi nên dịch và tổng hợp lại thành sách để thế hệ sau có thêm một tài liệu đầy đủ về thơ Hồ Chí Minh. Thế là kế hoạch 25 cuốn sách về Bác, trong đó có 13 quyển về thơ ca, 12 quyển kể chuyện về Người ra đời. Ngay khi cuốn đầu tay còn đang trong dạng bản thảo, rất nhiều người đã động viên và nhận lời viết “Lời giới thiệu” cho sách như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Phong Lê, GS Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS Trần Đức Cường... Trước sự tin tưởng của mọi người, tôi như thấy mình phải cố gắng hoàn thành để trả nợ”.
Hiện tại, ngoài cuốn “Thưởng thức thơ Hồ Chí Minh ngoài Ngục trung nhật ký”, ông đã cho ra mắt thêm 2 cuốn sách nữa là “Từ điển Ngục trung nhật ký” dài 620 trang do NXB Nghệ An phát hành, và cuốn “Bác Hồ - Người trồng cây vĩ đại” dài 260 trang do NXB Nông nghiệp phát hành.
Hưng Phương