Căn nhà của nhà thơ Lưu Trọng Lư tại số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội hiện nay đang giao cho con gái áp út, chị Lưu Ý Nhi (ảnh) ở và trông nom. Chị là con gái duy nhất (một chị thứ hai đã mất) trong số những anh chị em, nhưng lại được các anh em trai của mình giao phó, nhờ cậy việc thờ phụng cha mẹ và giữ gìn những kỷ vật của gia đình.
Căn nhà của nhà thơ Lưu Trọng Lư vẫn để nguyên vẹn các vật dụng như khi ông sống. Một chiếc bàn làm việc nhỏ, một cái tủ sách mà nhiều cuốn đã mòn gáy, giấy đã úa màu theo thời gian. Chị Nhi bảo rằng, chị muốn giữ nguyên vẹn mọi thứ, cũng là một cách để chị lưu giữ lại tất cả những ký ức về một thời tuổi thơ đầm ấm của mình.
Đối với Lưu Ý Nhi, cha mình, nhà thơ Lưu Trọng Lư, là một người cha nhân hậu và yêu công việc. Đặc biệt là ông… thường xuyên vắng nhà trong thời kỳ ông công tác ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, rồi làm Tổng Thư ký kiêm Tổng Biên tập tạp chí Sân khấu. Chính vì thế, tất cả mọi công việc trong gia đình, từ miếng cơm, manh áo, dạy dỗ con cái, thì mẹ chị là người xăm xắn lo toan và gánh vác. Ông không bao giờ to tiếng với vợ con. Chị Nhi nhớ rằng, cha chị bàn chân không đạp lên ngọn cỏ, không giết nổi một con kiến dưới tay vậy mà có duy nhất một lần, hồi chị 6 tuổi đã bị ông tát nhẹ vào má chỉ vì… hay mút tay. Ông bảo một lần, hai lần, ba lần Nhi không nghe nên ông rất bực. Đó cũng là cái tát đầu tiên và là cái tát cuối cùng trong đời ông.
Thuở bé, Ý Nhi chẳng bao giờ ý thức được việc cha mình là một nhà thơ nổi tiếng. Trong gia đình, ông yêu người con trai làm thơ Lưu Trọng Văn nhất nên ngày Lưu Trọng Văn lấy vợ và vào miền Nam lập nghiệp thì ông bỗng hay… buồn vô cớ. Lưu Trọng Ninh thì cá tính, hơi ngang tàng, còn Ý Nhi, là con gái duy nhất nhưng lại hơi ương bướng và chưa chăm học. Mấy anh em chị dù luôn vâng lời, nhưng lại không học được tính cần cù của cha mình, đặc biệt là niềm yêu thích ngoại ngữ. Nhà thơ Lưu Trọng Lư nói và đọc tiếng Pháp như một ngôn ngữ thứ 2 của mình. Bởi vậy, trước cái ngày ông sắp sửa lìa đời, trong khi đang hôn mê thì ông mê sảng và chỉ nói bằng tiếng Pháp. Các con của nhà thơ Lưu Trọng Lư (đặc biệt là ba người anh nổi tiếng Lưu Trọng Hải, Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Ninh), dù đã có những sáng tác đầu tay từ khi còn là học sinh phổ thông, nhưng khi thi vào học đại học họ đều theo con đường khoa học tự nhiên. Điều đó, có lúc khiến ông suy nghĩ, song do công tác bận rộn nên ông ít có cơ hội để nói những câu chuyện văn chương với các con. Về nhà, người mà ông thường chia sẻ là mẹ chị, người phụ nữ dòng dõi trâm anh, chơi đàn tranh nức tiếng xứ Huế thời bấy giờ, bà Tôn Nữ Lệ Minh. Bà là người đầu tiên đọc, nhận xét, góp ý đối với tất cả các tác phẩm của nhà thơ Lưu Trọng Lư, cũng là người duy nhất trong gia đình có thể giúp ông chia sẻ những câu chuyện về công việc, bè bạn.
Mơ màng, đãng trí vốn là “thuộc tính” của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Chị Ý Nhi xác nhận điều này. Trong gia đình, ông không phải lúc nào cũng nhớ tên các con của mình. Vì thế, trong đời sống thường nhật, nếu không có mẹ chị, thì không biết cái gia đình nhỏ ấy sẽ như thế nào. Ông không biết trong nhà có những gì, cơm gạo ra sao, các con đau yếu như thế nào. Có lần, mẹ chị bận việc nhà nên ông đưa anh Lưu Trọng Ninh đi khám bệnh, khi đọc tên để ghi vào phiếu khám, bác sĩ hỏi tên con thì ông… nhớ mãi không ra, bèn luống cuống quay sang hỏi con: “Mi tên chi?” trước sự ngạc nhiên tột độ của vị bác sĩ. Có lần khác, ông đi công tác nước ngoài về, khoe với vợ là mua tặng vợ một lọ dầu thơm, đến khi mở va ly ra thì… tìm mãi không thấy đâu cả!
Có lúc, chính thơ của mình mà ông cũng… quên. Trong phần viết về Lưu Trọng Lư, tác giả của “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh đã kể lại câu chuyện: Một lần, họ Lưu đang nằm xem cuốn “Tiếng thu” của mình bỗng bật dậy, cười to. Thì ra, đọc lại cuốn sách ông mới chợt nhớ ra, có đôi câu thơ mà trước đó ông cứ nhầm tưởng là của Thế Lữ, hóa ra là của mình. Đó là hai câu thơ không dễ mấy ai viết được, lại càng không dễ quên, bởi cả ý và chữ dùng đều rất lạ: “Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh/ Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi!”.
Ngay cả với công việc, ông cũng có lúc… quên. Hồi kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Chi hội trưởng Văn nghệ liên khu Bốn. Năm ấy chi hội tổ chức đại hội, ông là người đọc báo cáo. Nhưng khi lên diễn đàn, ông Chi hội trưởng sờ hết túi này đến túi kia mà không thấy báo cáo đâu. Mãi sau mới nhớ ra, ông quay sang nói với nhà thơ Trần Hữu Thung: “Thung ơi, chết rồi, báo cáo tao bỏ quên ở quán cà phê rồi”. Thế là hội nghị phải chờ để Lưu Trọng Lư đi lấy báo cáo về. Lần khác, sau hòa bình lập lại, nhà thơ khi ấy công tác ở Bộ Văn hóa dẫn một đoàn nghệ thuật sang biểu diễn ở Rumani. Một hôm, đoàn trở về khách sạn, người phụ trách ra đón, nói: “Không biết đồng chí nào quên khóa vòi nước, để nước chảy tràn ra cả”. Trưởng đoàn Lưu Trọng Lư bực lắm, quát: “Ai mà ẩu thế nhỉ?”. Nhưng đến khi vào phòng thì mới hay thủ phạm là… chính mình.
Khi nhà thơ Lưu Trọng Lư nghỉ hưu, cũng chính là thời gian mà Ý Nhi được gần cha nhiều nhất. Thời điểm đó, các anh lớn của chị đều đã có gia đình và ra ở riêng. Có lần ông gọi Ý Nhi vào phòng văn của ông và bảo: “Cha muốn viết về mối tình của cha và mạ (mẹ). Mi chép lại cho cha nhé!”(đó chính là cuốn tiểu thuyết “Nửa đêm sực tỉnh”). Hồi đó, dù đã ngoài hai mươi tuổi, nhưng đối với Ý Nhi, ngoài những trò nghịch của tuổi “quỷ ma” thì chị không mấy quan tâm đến văn chương của cha mình. Bởi thế, chính thời gian làm “thư ký” chép lại chuyện tình yêu của cha và mẹ, lồng trong đó là những câu chuyện văn chương đầy ắp lý tưởng và lãng mạn của ông, đã làm cho Ý Nhi “sực tỉnh”. Chị bỗng thấy yêu thương cả từng nét chữ đôi khi nguệch ngoạc vì viết vội của ông. Không lúc nào, ngay cả khi tuổi cao sức yếu, mà chị thấy ông ngừng làm việc. Có hai tác giả mà ông yêu và trân trọng là Nguyễn Du và Hồ Chí Minh. Cho đến lúc nhắm mắt, ông vẫn trăn trở rằng, về Kiều ông đã có “Nhật ký đọc Kiều”, song đáng tiếc là ông chưa có thời gian để viết về thơ văn Hồ Chí Minh.
Lưu Ý Nhi cho rằng, có được thành công trên con đường văn học nghệ thuật, một phần bởi cha chị may mắn tìm được người vợ như mẹ chị. Điều đó, có lần ông cũng đã nhắc đến trong tác phẩm “Nửa đêm sực tỉnh”. Có hai mối tình lớn, hai người phụ nữ trong cuộc đời ông luôn nâng niu, trân trọng, đó là người vợ đầu đã mất của ông, bà Thanh Thủy, một người kinh doanh tinh dầu tràm nổi tiếng ở Hội An và mẹ chị, bà Tôn Nữ Lệ Minh, người đã bỏ tất cả mọi vinh hoa của một gia đình dòng dõi, chấp nhận bị người mẹ đẻ… từ, để đi theo ông, sống cùng ông, chia sẻ khó khăn gian khổ, sinh cho ông 7 người con rồi một mình lo toan gánh vác, nuôi các con nên người. Chị Nhi kể lại: “Trong bữa cơm ông ăn rất ít, nên mẹ tôi bao giờ cũng dành cho ông phần ngon nhất, bày biện đẹp mắt nhất. Và đặc biệt, “mùa nào thức nấy”, chẳng hạn đến mùa sen, thì bao giờ trên bàn ăn, cạnh chỗ cha tôi ngồi, bao giờ cũng có một bình hoa sen tỏa hương thơm dịu nhẹ. Bà hiểu và luôn nâng niu cho “hồn thơ” của ông mọi lúc mọi nơi. Thời mới yêu, mẹ tôi từng khao khát: “Có lúc em ước mơ một điều tưởng như quái gở thế mà em vẫn tâm niệm: Được đi khắp thế giới, được gặp các nhà thơ, những đứa con “cưng” của Thượng đế, được nhìn, được thưởng thức những câu, những chữ mà người thường chưa bao giờ thốt ra! Đó chính là vàng ngọc mà thời gian không gì làm hoen gỉ được”. Khi cha tôi mất, mẹ tôi cũng để băng tang rất lâu mới bỏ ra. Bà quen sống có ông để chăm sóc, nên khi ông mất đi, bà buồn lắm, như thiếu một phần cơ thể. Bà thường nhắc lại cho anh em chúng tôi nghe những kỷ niệm hồi bé cùng cha mình, dường như, bà chẳng quên một điều gì thuộc về ông. Bởi vậy, các anh của tôi, đặc biệt là Lưu Trọng Ninh, luôn lấy mẹ làm hình mẫu lý tưởng của cuộc sống, trong đời thường và ngay cả trong những tác phẩm điện ảnh. Chính vì thế, mà Ninh khó tìm được một bến bờ bình yên của hạnh phúc…”.
Lưu Ý Nhi không may mắn có được tài thơ như bố, tài đàn hay hát giỏi của mẹ, chị làm một việc… trái khoáy là kế toán cho một công ty sách. Nhưng chị yêu sách và dành nhiều thời gian đọc tác phẩm của cha mình. Hồi còn sống, nhà thơ Lưu Trọng Lư chỉ lo con gái mình… không chịu lấy chồng, vì chị vốn ngang bướng và lúc bất cần là như con nhím xù lông. Một thời gian sau ngày ông mất, ở vào tuổi 34, chị kết hôn cùng nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành. Chị bảo rằng, cuộc đời cha mẹ chị như một tấm gương lớn đối với con cái, dù năm tháng có làm cho lớp kính nhạt màu… nhưng những ký ức về ngày tháng ấy vẫn như những thước phim cứ trở đi trở lại trong nếp sống, nếp nghĩ…
Nhật Huy